Cách thành phố Lào Cai hơn 55 cây số, qua những đồi núi trùng trùng điệp điệp là thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương. Thấp thoáng nơi núi đá quanh co, bao bọc các bản làng đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Dí, Mông, Tu Dí, Phù Lá có những đồi quýt quả trĩu vàng, lá xanh ngăn ngắt.
Cặm cụi bên những luống quýt cho trái to, đẹp, màu vàng căng bóng, mùi hương thoang thoảng bay khắp vườn, anh nông dân Vàng Phà Quán, chủ một đồi quýt ở thị trấn Mường Khương khoe: Từ khi về cắm rễ ở nơi này, quýt không chỉ che cái nóng, ngăn lũ quét, sạt lở đất mà còn giúp nhiều gia đình ở Mường Khương “đổi đời”. Cũng nhờ cây quýt, cái tiếng là vùng khô khát, thiếu nước, thiếu đất sản xuất vì thế mà bớt đi.
Theo lời của Vàng Phà Quán, cuộc sống của gia đình anh mấy năm gần đây đã khấm khá hơn khi tin và thực hiện theo lời động viên của Bộ đội Biên phòng Đồn Mường Khương mà mạnh dạn chuyển từ trồng ngô, lúa cho thu nhập thấp sang trồng quýt.
“Giá quýt bán tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thu hoạch tới đâu có người mua tới đó. Mỗi năm cả ngàn gốc quýt trong vườn cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng không chỉ giúp gia đình tôi trả hết nợ, mà còn tiết kiệm được tiền để sửa lại ngôi nhà đang ở, trang trải cuộc sống cho đầy đủ hơn”, anh Vàng Phà Quán phấn khởi nói.
Kể câu chuyện cây quýt về cắm rễ trên mảnh đất Chúng Chải B, ông Pờ Sín Sài, trưởng thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương cho biết: Bà con trong thôn Chúng Chải B luôn được Bộ đội Biên phòng động viên phát triển cây quýt thay cho cây ngô. Lúc đầu, có người lắc đầu quầy quậy, người nửa tin nửa ngờ. Nhưng rồi thấy cây quýt ra trái ngọt, thương lái đưa xe ô tô vào tận thôn bản thu mua, người dân Mường Khương rất mừng, ví như quýt như "trái vàng” giúp họ thoát nghèo.
“Nhờ quýt, nhiều hộ trong thôn đã có nhà mái bằng, nhà cao tầng thay cho những ngôi nhà sập xệ trước đây”, ông Pờ Sín Sài vui vẻ khoe.
Bà Hạ Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương cho biết ở Mường Khương, cây quýt ngọt cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 3 - 4 lần so với những cây trồng truyền thống khác và đang giúp bà con nơi đây dám nghĩ tới chuyện làm giàu từ cây ăn quả này. Quýt ngọt đã và đang thành thương hiệu của vùng đất nơi đây. Ðến nay, Mường Khương có hơn 350 ha quýt, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.000 tấn, đem về gần 20 tỷ đồng cho đồng bào rẻo cao biên giới. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện tốt hơn, rút ngắn khoảng cách với vùng thấp.
“Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của Mường Khương khá cao, gần 20% nhưng vừa qua đã giảm xuống, hiện chỉ còn 12%”, bà Hạ Thị Khánh Nguyệt cho biết.
Cũng theo lời Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương, thành công của cây quýt ngọt tại vùng núi đá này có một phần quan trọng từ công tác phối hợp nổi lên rõ rệt những năm qua giữa Đồn Biên phòng Mường Khương với thị trấn Mường Khương về phát triển kinh tế. Việc những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ở Đồn về từng bản, vào từng gia đình, cùng ăn, cùng làm với người dân để nắm bắt thực tế, từ đó đẩy mạnh phối hợp với chính quyền thị trấn đã góp phần tác động tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở Mường Khương.
“Điều đó cũng cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đồng bào đã tin theo Ðảng, cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và cán bộ khuyến nông huyện, đang nỗ lực vượt lên để xóa nghèo và từng bước làm giàu”, bà Hạ Thị Khánh Nguyệt nhấn mạnh.
Trò chuyện về việc góp phần giúp người dân trên địa bàn thị trấn Mường Khương đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nói chung và để cây quýt cắm rễ trên vùng núi đá biên thùy này nói chung, Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Khương chỉ cười xòa và vui vẻ cho biết: Đồn Biên phòng Mường Khương có nhiệm vụ quản lý gần 16 km đường biên giới, quản lý một xã, một thị trấn biên giới và là địa bàn có trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế. Xác định đây là địa bàn trọng điểm, để hoàn thành nhiệm vụ, Đồn đã xây dựng kế hoạch vận động quần chúng sát với tình hình thực tế và triển khai bám nắm địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác này; kịp thời xử lý và giải quyết các vụ việc, không để xảy ra các điểm nóng.
“Cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Khương nằm lòng “đồn là nhà, biên giới là quê hương; đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Để biến điều đó thành hành động, từ người chỉ huy đến mỗi chiến sĩ luôn sẵn sàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói ngôn ngữ của đồng bào”; có như vậy dân mới tin, mới yêu quý và che chở, đùm bọc như người thân trong gia đình” - Thượng tá Trần Văn Khoa tâm sự.
“Năm 2018, Đồn Biên phòng Mường Khương đã giúp đỡ 10 hộ trong thị trấn giảm nghèo bền vững, đồng thời tích cực tham gia các chương trình như "Nâng bước em đến trường", hiện Đồn đang giúp đỡ cho 4 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có thể thấy, diện mạo của địa phương những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, đời sống bà con đang từng bước thoát nghèo, xây dựng cuộc sống no ấm, văn minh, an ninh chủ quyền cũng được giữ vững. Thành quả này có được một phần đóng góp nhỏ của những người lính quân hàm xanh", Thượng tá Trần Văn Khoa chia sẻ.