Diện mạo mới trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng

Sáu mươi năm đã trôi qua, kể từ khi lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, mở đầu thời kỳ đánh và thắng đế quốc Mỹ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trà Bồng giờ đây lại được nhiều người biết đến là một địa phương có kinh tế phát triển, hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay.

Ông Võ Văn Rân, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: Là huyện miền núi với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tập quán canh tác lạc hậu nhưng Trà Bồng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm “biến khó khăn thành cơ hội phát triển”.

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc Cor ở các huyện vùng cao Tây Trà, Trà Bồng (Quảng Ngãi) bước vào vụ thu hoạch đót (hay còn gọi là mùa tiên, lộc rừng). Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Sau 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là từ sau ngày chia tách huyện (tháng 1/2004), huyện đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 10,7%, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (8%/năm). 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Nhiều đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Trên 95% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia...

Đổi thay rõ nét ở Trà Bồng là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là cuộc sống của đồng bào Cor. Huyện Trà Bồng có hơn 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người Cor. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Trà Bồng đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.

Người Cor ở Trà Bồng luôn tự hào, nỗ lực ổn định cuộc sống và xây dựng quê hương từ khi được mang họ của Bác Hồ. Người Cor ở Trà Bồng đã mạnh dạn bỏ canh tác theo phương thức cũ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất thực tế ở các địa phương khác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình. Nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, huyện Trà Bồng đã chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với hợp phần sản xuất từ các Chương trình 135, 30a, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102 và các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chính sách tín dụng ưu đãi.

Người dân có điều kiện, động lực để vươn lên trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước đến năm 2019 giảm còn 27,22%.

Để Trà Bồng phát triển, huyện tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào huyện.

Đến nay, địa bàn huyện có nhiều dự án đã và đang triển khai như: Dự án thủy điện Kà Tinh với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng; dự án rau, củ quả của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thành Văn với tổng mức đầu tư khoảng 10,6 tỷ đồng; dự án gạch không nung của Công ty cổ phần Đại Triệu Phát với tổng mức đầu tư khoảng 14,8 tỷ đồng.

UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã thống nhất chủ trương xúc tiến và đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Thạch Bích của Công ty Cổ phần T&T với quy mô dự án 200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng; dự án mở rộng nhà máy và các phân xưởng tại 3 xã Trà Hiệp, Trà Tân và Trà Lâm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhất Hưng Trà Bồng với tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng...

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Võ Văn Rân cho biết: Huyện phấn đấu đến năm 2020 cơ bản thoát nghèo; góp phần tích cực cùng nhân dân tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong đó, huyện tập trung đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Huyện cũng tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm; phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng tiếp tục đầu tư khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, sinh thái, lịch sử và văn hóa; quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường...

Sỹ Thắng (TTXVN)
Tạm dừng mọi phương tiện giao thông qua cầu Trà Bồng sau vụ cháy tàu cá
Tạm dừng mọi phương tiện giao thông qua cầu Trà Bồng sau vụ cháy tàu cá

Ngày 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 45 về việc phân luồng tạm và đảm bảo an toàn giao thông cho cầu Trà Bồng sau sự cố tàu câu mực đâm trúng gây cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN