'Trái ngọt' từ đa dạng hóa vùng chuyên canh ở Trà Bồng, Quảng Ngãi

Nhắc đến Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, người ta thường nghĩ ngay đến cây quế là một loại cây trồng đã gắn liền với bao thế hệ đồng bào Cor, Kinh sinh sống tại mảnh đất anh hùng, cho họ của ăn của để.

Nhờ sự chung tay, nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện mà diện mạo nơi đây không ngừng đổi thay từng ngày.

Giai đoạn 2013- 2017, Trà Bồng thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, huyện đã chuyển đổi hầu hết diện tích đất đồi, gò sang trồng cây keo nguyên liệu, cây quế; giảm diện tích trồng mía vì không hiệu quả; chú trọng nhất vẫn là cây quế với tổng diện tích chuyển đổi khoảng 200 ha, tập trung tại các xã Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp. 

Chú thích ảnh
Sản phẩm quế Trà Bồng ngày càng được nhiều người tin tưởng tìm mua. Ảnh: baoquangngai.vn

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 vùng chuyên canh cây quế địa phương, nâng tổng diện tích trồng quế đến cuối năm 2017 đạt 1.287 ha; định hướng đến năm 2020 phát triển và duy trì diện tích trồng quế đạt 2.800 ha kết hợp với tạo sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, nhận thấy các loại cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, mít đang cho giá trị kinh tế cao, người dân xã Trà Bình đã tiên phong chuyển đổi 11ha keo nguyên liệu sang trồng nó nhằm nâng cao thu nhập nông hộ. Không những thế, nhờ huyện quan tâm, tạo điều kiện, nhiều gia đình khác ở xã Trà Tân, Trà Phú, Trà Bùi cũng đã chuyển đổi hơn 80 ha diện tích vườn tạp sang trồng dừa xiêm (49 ha) và  trồng cây chôm chôm xen cây dứa, cây bơ, cây khám (1,3 ha) tại các xã trà Phú, Trà Giang, thị trấn Trà Xuân.

Các địa phương như Trà Tân, Trà Bình thực hiện trồng rừng thâm canh cây keo lai nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn FSC với quy mô 10 ha. Dự án do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kinh phí. Hiện tại, cây keo lai phát triển, sinh trưởng tốt.

Thông qua các nguồn vốn từ Chương trình 135, Chương trình 30a và Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện hỗ trợ gần 30 máy băm đất, hơn 80 máy cắt lúa và tuốt lúa, 20 máy quạt lúa cho các hộ nông dân nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng bào Cor ngày càng bắt kịp đà phát triển của khoa học công nghệ, biết sử dụng thành thạo những trang thiết bị máy móc để trồng lúa, ngô.

Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa từ chỗ chỉ chiếm 20-30% năm 2013 đã nâng lên 50-60% năm 2017; năng suất và sản lượng bình quân của các loại cây trồng này không ngừng tăng qua các năm. Cụ thể, năng suất lúa từ hơn 39 tạ/ha năm 2013 lên hơn 43 tạ/ha năm 2017, tăng hơn 9%; năng suất ngô từ hơn 27 tạ/ha năm 2013 lên gần 30 tạ/ha năm 2017...

Trên địa bàn huyện hiện có 1 cơ sở sản xuất rau sạch, rau hữu cơ tại thị trấn Trà Xuân. Huyện đang triển khai thực hiện vùng sản xuất rau an toàn tại xã Trà Tân với quy mô 5 ha của Công ty TNHH MTV Thành Văn đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư; giao trạm Khuyến nông thực hiện mô hình trồng rau an toàn tại thôn Quế xã Trà Bùi, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều khởi sắc. Sản lượng thịt hơi các loại tăng lên qua từng năm. Tại địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại tổng hợp, quy mô lớn; nhiều gia trại, điểm chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, bầy đàn; trong đó, có 208 gia trại cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm... Đáng kể nhất là trang trại tổng hợp của hộ ông Nguyễn Hành, xã Trà Tân, với diện tích 4,7ha, tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng, nuôi mỗi năm 2.500 con lợn hay như gia trại nuôi gà, trồng rau quy mô lớn của thanh niên Đỗ Khắc Phục ở xã Trà Bình...

Việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã cũng được huyện chỉ đạo quyết liệt. Dự kiến đến năm 2020, có 2 xã Trà Phú và Trà Bình đạt chuẩn nông thôn mới. 

Ông Võ Văn Rân, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết, huyện ủy sẽ chỉ đạo UBND huyện, các ngành chức năng tạo điều kiện giúp nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đất đai, tiếp cận các nguồn vốn vay. Đồng thời, ưu tiên bố trí hợp lí nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để hoạt động có hiệu quả. Cùng đó, chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Những hướng đi bền vững trên đã giúp cho Trà Bồng ngày càng khẳng định vị thế của mình và là “điểm sáng” so với các huyện miền núi khác trong tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện được cải thiện rõ rệt, bình quân tăng hơn 10%/năm, giai đoạn 2013- 2017. Cuộc sống người dân khá giả, đủ đầy hơn trước thể hiện rất rõ khi tỷ lệ hộ nghèo từ 37% nay giảm xuống còn hơn 30%, vượt 5% so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Vĩnh Trọng (TTXVN)
Cánh chim đầu đàn của đồng bào Cor Trà Bồng
Cánh chim đầu đàn của đồng bào Cor Trà Bồng

Ở tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), già Đến được coi như cánh chim đầu đàn dẫn dắt buôn làng, là cầu nối gắn kết lòng dân với ý Đảng. Năm 2015, già Đến đã vinh dự được Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN