Đó là thông tin mà Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội vừa đưa ra. Theo đó, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, các đơn vị chức năng của thành phố sẽ kiên quyết đình chỉ sản xuất, rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sau khi đã khắc phục và đảm bảo việc phát thải các chất thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn quy định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay tình trạng doanh nghiệp không còn quỹ đất cho việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn nhiều, dẫn tới tình trạng nước thải xả trực tiếp ra môi trường (đặc biệt khu vực nội thành, do lịch sử để lại, nên đã sử dụng hết diện tích đất). Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và một số làng nghề còn chưa phù hợp; việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng còn khó khăn do thiếu chính sách và chưa kiên quyết, triệt để; chưa có cơ chế khuyến khích hoặc chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm biện pháp bảo vệ môi trường.
Được biết, để thực hiện đúng các quy định của Luật Thủ đô trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 1/7/2013), UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan của thành phố, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, rà soát, điều chỉnh lại các nội dung không còn phù hợp của "Dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn". Trên cơ sở đó, đồng thời căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND - UBND thành phố, dự thảo, trình UBND thành phố xem xét, ban hành 3 quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, gồm: Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn; quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quy định một số ưu đãi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt.
Hà Nội cũng vừa xây dựng chiến lược và quy hoạch các vùng làng nghề cần quan tâm bảo vệ môi trường, nhất là các làng nghề vùng nội thành và đông dân cư sinh sống. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ đầu tư trên 13.000 tỷ đồng xử lý ô nhiễm ở 44 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước, khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khơi dậy phong trào và vận động người dân tham gia xây dựng các công trình nhà vệ sinh. Đối với khu vực nông thôn, nông dân cần đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường; còn các hộ gia đình cần kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nhà vệ sinh và hầm khí biogas.
Thành phố cũng khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng rác thải xả tràn lan ra môi trường công cộng, thiếu sự kiểm soát và không ai chịu trách nhiệm. Cụ thể, các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả vùng II (khu vực phía nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ xả rác ở vùng III (khu vực phía tây) và khu vực ngoài thị xã Sơn Tây.
Nguyễn Văn Cảnh - Minh Nghĩa