Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiếp nhận bộ vật dụng bắt voi của ông Ama Kông do gia đình ông Khăm Phết Lào tặng. Đây là bộ hiện vật được chính các chủ nhân tập hợp, bảo quản và hiến tặng cho bảo tàng. Bộ sưu tập gồm hơn 20 hiện vật, vốn là các vật dụng được chế tác để bắt, thuần dưỡng và sử dụng voi, trong đó có cả những hiện vật sử dụng trong thực hành tín ngưỡng và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhóm người đi bắt voi trong các chuyến đi săn.
Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Võ Quang Trọng (bên trái ảnh) tiếp nhận bộ vật dụng bắt voi do gia đình ông Khăm Phết Lào trao tặng. Ông Khăm Phết Lào giới thiệu về bộ vật dụng để bắt voi.
|
|
Những vật dụng này được chế tác chủ yếu từ các nguyên liệu tự nhiên như: Tre, mây, sáp ong, sừng, đặc biệt là từ da trâu. Theo ông Khăm Phết Lào, sau khi làm thịt những con trâu lớn, người địa phương căng da trâu trên một mặt phẳng, rồi từ tâm điểm của tấm da, người ta xén theo những đường vòng tròn đồng tâm, theo đó từ mỗi tấm da trâu sẽ có được một sợi dây liền mạch. Nhiều sợi dây như thế (từ các bộ da của nhiều con trâu), được vuốt bằng chính mỡ trâu cho mềm ra, rồi người ta xoắn lại và bện thành những cuộn dây dài để sử dụng khi bắt voi.
Da trâu được bện lại thành cuộn lớn dùng để bắt voi. |
Bộ hiện vật này gắn liền với tên tuổi của hai nhân vật là ông Khun Ju Nốp (1828-19) và Ama Kông (1910- 2012). Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Khun Ju Nốp, người Pơ Nong (dân tộc Mnông) đã tổ chức chế tác các công cụ để bắt và thuần dưỡng voi rừng. Sau khi ông qua đời, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi cũng như bộ dụng cụ được con cháu kế thừa, trong đó nổi bật là Ama Kông là con rể nuôi của ông. Tương truyền trong cuộc đời của mình, Ama Kông đã bắt và thuần dưỡng được tới 298 con voi và đa phần các dụng cụ bắt voi thuộc bộ sưu tập này.
Dây bảo hiểm của thợ bắt voi. |
Các loại vòng và cùm dùng để tròng cổ voi rừng. |
Tháng 6/1992 khi Bộ Lâm nghiệp (cũ) ban hành quyết định 301/TCLĐ thành lập Vườn quốc gia Yok Đôn, cùng với chính sách bảo vệ động vật hoang dã, việc săn bắt voi bị cấm. Từ đây, các vật dụng bắt voi này hầu như không còn sử dụng. Sau đó, chúng được bài trí, để giới thiệu với khách du lịch trong ngôi nhà cổ của gia đình tại bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắk). Ngày 15/2/2014, ông Khăm Phết Lào (con trai của Ama Kông) đã trao tặng Bảo tàng DTHVN bộ hiện vật này.
Voi là loài động vật to lớn ở trong rừng, từ rất lâu đời loài người đã thuần dưỡng chúng nhằm phục vụ cho các nhu cầu khác nhau trong cuộc sống của mình. Nhưng loài người đã bắt voi như thế nào, thuần dưỡng và sử dụng chúng ra sao... thì không phải tất cả mọi thứ đã được giới thiệu đầy đủ. Trong bối cảnh như vậy, bộ sưu tập hiện vật này là những chứng tích phản ánh một cách sinh động về vị trí vai trò của voi trong lối sống, văn hóa của người Mnông và cộng đồng các dân tộc khác ở khu vực Buôn Đôn, Đắc Lắk nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung.
V.T