Theo đánh giá của HEPZA, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) TP.HCM đã bớt khó khăn và có dấu hiệu phục hồi. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Định (ảnh), Phó Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM.
Thưa ông, tình hình sản xuất hiện nay của những DN trong các KCX - KCN như thế nào?
Có thể nói, việc hoạt động của DN trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các DN trong các KCX - KCN đang có những dấu hiệu phục hồi. Đáng chú ý, các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có dấu hiệu khởi sắc nhiều hơn nhóm DN trong nước.
Thứ nhất, nếu như năm ngoái, tại một số DN, công nhân chỉ làm 5 buổi/tuần, hưởng 75% lương, thậm chí có DN phải cắt giảm lao động thì hiện nay, không còn xảy ra tình trạng này. Các DN FDI có đơn hàng nhiều hơn, lao động phải làm tăng ca và nhiều DN còn có nhu cầu tuyển thêm lao động. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã có DN FDI tăng vốn, mở rộng sản xuất với số vốn gần 100 triệu USD. Ngoài ra, chế độ chính sách cho người lao động cũng khá hơn.
Với nhóm DN trong nước, lợi thế vẫn nghiêng về những DN lớn hơn, làm ăn có bài bản. Nhờ vậy, tình hình sản xuất của các DN có nhiều khởi sắc, lượng hàng tồn kho giảm so với trước. Chỉ có một số DN nhỏ, diện tích nhà xưởng khoảng 1.000 m2 phải tạm ngưng hoạt động. Sự sàng lọc này đánh dấu sự khởi sắc của những DN trong các KCX - KCN có tiềm lực tốt.
Theo ông, dấu hiệu phục hồi này của các DN có thực sự bền vững?
Theo HEPZA, tính từ đầu năm đến nay, các DN trong KCX - KCN đạt giá trị xuất khẩu 1,25 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, các KCX - KCN có 1.254 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 7,301 tỷ USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 495 dự án, vốn đầu tư đăng ký 4,358 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 759 dự án, vốn đầu tư đăng ký 2,943 tỷ USD. |
Theo tôi, sự khởi sắc này của các DN không phải tạm thời. Bởi 4 năm qua, các DN đã gặp khó khăn liên tiếp. Vì thế, nếu DN nào “chết” thì đã “chết” rồi, còn DN nào “sống” được đến giờ, lại có dấu hiệu khởi sắc thì có thể khẳng định sự phục hồi đó là bền vững.
Dù vậy, sự khởi sắc ở DN FDI vẫn nhiều hơn DN trong nước. Bởi DN FDI được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Ngoài ra, mấy năm nay, tỉ giá USD cũng ổn định, ít có biến động. Trong khi đó, nhóm DN trong nước khó tiếp cận nguồn vốn, lại phải chịu lãi suất cao. Hiện DN FDI trong KCX - KCN trên địa bàn chiếm khoảng 40% với lượng công nhân chiếm khoảng 60 - 70%.
Để có được những kết quả trên, theo ông, HEPZA và các DN đã áp dụng những giải pháp gì?
Có thể nói, các DN đã áp dụng một loạt các biện pháp như tiết kiệm tối đa về mặt chi phí đầu vào, sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn nhất, hiệu quả nhất.
Về phía Ban quản lý KCX - KCN, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ các DN về cải tiến thủ tục hành chính theo kiểu “một cửa tại chỗ”. Chẳng hạn, chúng tôi đã sắp xếp cho DN gặp gỡ ngành điện để hai bên kí kết hợp tác theo hướng cung cấp đủ điện cho các DN. Về các chính sách thuế, Ban quản lý KCX - KCN tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và DN để tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Sắp tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục kết nối giữa DN và ngân hàng để giúp DN tiếp cận được vốn dễ dàng hơn. Trước đó, Ban quản lý đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa 16 ngân hàng thương mại với các DN trong KCX - KCN. Điều này giúp các DN biết ngân hàng nào đang thừa vốn và có những chương trình, gói cho vay lãi suất thấp để vay. Còn ngân hàng cũng sẽ biết tình hình sản xuất của DN này như thế nào để xem xét cho vay.
Hải Yên - Hoàng Tuyết