Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi: Nhiều điểm sáng

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Lê Hoàng Quân, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2013 cho thấy, kinh tế thành phố đang có xu hướng phục hồi; tuy nhiên, những khó khăn chưa phải là đã hết. Điển hình, số doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động vẫn tăng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, sức mua còn thấp...

 

Tỷ giá đồng đô la ổn định tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp FDI tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sản xuất.

 

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, hiện chỉ số tồn kho nhiều mặt hàng của DN đã giảm, lượng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất đang tăng, số lao động được tuyển dụng cũng tăng trở lại... Theo đó, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 4 giảm 2,8% so với tháng 3.


Bên cạnh đó, xuất khẩu của TP.HCM 4 tháng đầu năm đạt 9,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu 4 tháng đạt 8,04 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Lượng hàng nhập khẩu tăng chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất. Điều này cho thấy tình hình sản xuất của các DN đang cải thiện, nhất là các DN dệt may có đơn hàng đến hết quý 3/2013.


Điểm sáng đáng mừng là tình hình sản xuất của nhiều DN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn khởi sắc trở lại. Trong đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) duy trì sản xuất ổn định hơn nhóm DN trong nước. Tính từ đầu năm đến ngày 22/4, các DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp đạt giá trị xuất khẩu 1,25 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) vẫn lo ngại: “Nhóm DN chế biến xuất khẩu thủy sản hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân do giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến lợi nhuận giảm. Hiện các DN này chỉ duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm cho người lao động”.


Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định: Trong thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực đáng kể trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng tại thành phố đã cho các DN thuộc 5 lĩnh vực sản xuất ưu tiên vay 102.117 tỷ đồng (gồm: nông nghiệp nông thôn, hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao), lãi suất cho vay dao động 9 - 11%/năm.


Đồng tình với nhận định trên, ông Huỳnh Khánh Hiệp cho biết thêm: “Quan trọng hơn là tỷ lệ lạm phát vẫn được kiềm chế khá tốt. Kết quả này cho thấy, ở khía cạnh nào đó chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã phát huy được tác dụng”. Tuy nhiên, báo cáo về chỉ số sản xuất PMI (chỉ số đo “sức khỏe” khu vực sản xuất) của HSBC vào đầu tháng 4/2013 cho thấy, nền kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi nhưng chỉ có vài điểm sáng nhất định. Cụ thể, xu thế đóng cửa của DN vẫn tiếp tục tăng. Tính đến quý 1/2013, cả nước có tới 15.839 DN ngừng hoạt động hoặc phá sản; trong đó, TP.HCM chiếm gần 40% với 4.982 DN ngừng hoạt động.


Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, việc DN ngưng hoạt động tăng cao cũng thể hiện tiến trình sàng lọc những DN yếu kém, mở ra cơ hội cho các DN mới có nền tảng tài chính vững mạnh hơn ra đời. Tuy vậy, thời gian qua cũng có đến 15.707 DN được thành lập mới; trong đó, TP.HCM chiếm gần 50% với 7.162 DN đăng ký mới, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012. Dù vậy, các DN này hoạt động kinh doanh trên một môi trường mà giá tài sản đã giảm đáng kể.


Cũng theo ông Lê Hoàng Quân, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, sức mua còn thấp, việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn thuế... đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách thành phố. Đáng chú ý, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM tiếp tục tăng trưởng cao. Cụ thể, vốn huy động quý 1/2013 ước đạt 1.017.900 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2012, trong đó huy động vốn bằng ngoại tệ ước đạt 175.104 tỷ đồng. Tuy nhiên, các DN có nhu cầu về tài chính vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục kết nối giữa ngân hàng và DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được với các nguồn vốn lãi suất thấp. Theo đó, UBND TP.HCM giao cho Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM chủ động phối hợp các quận, huyện để thực hiện. Đồng thời, thành phố xác định 5 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn gồm: nông nghiệp và nông thôn; sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Hải Yên - Hoàng Tuyết

Doanh nghiệp KCX - KCN bớt khó khăn
Doanh nghiệp KCX - KCN bớt khó khăn

Theo đánh giá của HEPZA, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) TP.HCM đã bớt khó khăn và có dấu hiệu phục hồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN