Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, TPP không bắt buộc các nước như Việt Nam bỏ biện pháp hành chính để bảo hộ SHTT nhưng cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp về dân sự như có thể tịch thu, tiêu hủy sản phẩm vi phạm SHTT ở mức độ cao hơn các hiệp định trước đây.
Đồng tình với quan điểm này, theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các quy định bảo vệ SHTT trong TPP cũng có một số điểm khác với một số Hiệp định thương mại khác. Một số đối tượng bảo hộ SHTT được mở rộng phạm vi hơn hoặc thời hạn như bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp ngoài bảo hộ tổng thể, còn có qui định bảo hộ từng phần hay bảo hộ sáng chế, sản phẩm được mở rộng ra cả bảo hộ chức năng, quy trình sử dụng sản phẩm, sáng chế đó.
Dược phẩm trong nước được đánh giá là một trong những mặt hàng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ khi gia nhập TPP. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN |
Đưa ra một ví dụ, ông Lâm cho hay: Khi vào TPP, cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tính tới bảo hộ cả các nhãn hiệu âm thanh và cả nhãn hiệu mùi hương… Để làm được những điều này không dễ dàng nhưng Việt Nam cần phải nỗ lực. Bên cạnh đó, có những vấn đề bảo hộ như nhãn hiệu về vị dù không được đặt ra trong quy định cuối của TPP nhưng cũng hết sức khó, vì nó có tính cảm quan lớn. Đây cũng là điều phải cảnh báo vì đó là đối tượng SHTT rất đặc thù.
Để không vi phạm quyền SHTT khi Việt Nam đã vào TPP, ông Lê Ngọc Lâm cũng đưa ra cảnh báo trước việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có hành vi chào bán sản phẩm trên mạng nhưng sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp khác là vi phạm quyền SHTT… Nếu các doanh nghiệp này không từ bỏ các việc làm đó thì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi bởi biện pháp hình sự sẽ áp dụng trong trường hợp như vậy.
Chia sẻ thêm về vấn đề SHTT trong TPP, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Cục Bản quyền tác giả đã được giao nghiên cứu, qui định cụ thể hơn nữa về ứng dụng công nghệ thông tin để bảo hộ SHTT, bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số. Bởi khi tham gia vào TPP, Việt Nam phải tăng cường mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT, quyền tác giả trong môi trường số thì mới có thể đứng vững trên sân nhà.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco cho biết: Trong lĩnh vực dược phẩm, có nhiều giá trị sáng tạo rất cần được bảo vệ. Nhưng hiểu biết về bảo hộ SHTT hiện nay ở Việt Nam chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn làm ăn chộp giật "lấy của người ta làm của mình". Muốn phát triển bền vững, hội nhập phải tôn trọng quyền SHTT.
Cũng theo bà Vũ Thị Thuận, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết về bảo hộ SHTT để tránh vi phạm, doanh nghiệp phải nắm được luật chơi để tạo ra giá trị riêng trong hoạt động sáng tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần biết là nếu có những sản phẩm giá trị, hết thời gian bảo hộ thì có thể tận dụng, để kinh doanh được tốt hơn.
Đặc biệt, doanh nghiệp thường không có nhiều tiền đầu tư cho phát minh. Chẳng hạn như thuốc độc quyền rất đắt nhưng hết thời gian bản quyền thì được sử dụng với giá thành thấp hơn - Bà Thuận cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tham gia TPP, người dân nghèo Việt Nam sẽ khó tiếp cận với những biệt dược do giá quá đắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: Vấn đề người nghèo phải giải quyết cách khác. Toàn xã hội chăm lo người nghèo, nếu không có tiền dùng biệt dược thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Đó mới là cách tiếp cận đúng đắn. Không thể vì lý do dân còn nghèo mà vi phạm SHTT với biệt dược.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi tham gia vào TPP, việc cung cấp thuốc cho các bệnh viện sẽ đấu thầu mua sắm công. Điều này có nghĩa, khi các bệnh viện mua thuốc thì phải mở đấu thầu công khai, minh bạch, các hãng thuốc trên thế giới đều có quyền tham gia một cách bình đẳng. Lúc đó, dược phẩm trong nước cũng sẽ rất khó để cạnh tranh.
Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng đàm phán để chỉ cho 50% cho đấu thầu quốc tế và 50% còn lại là đấu thầu nội địa để dược phẩm Việt Nam có thể có thị trường. Thuốc của Việt Nam về mẫu mã, chất lượng chưa phải là tốt nhất nhưng hợp với túi tiền của người dân nếu để cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu thì sẽ độc quyền, gây khó khăn cho người dân, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước sẽ khó có cơ hội tồn tại.