Theo đánh giá từ các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Khi TPP có hiệu lực, thuế xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ sẽ giảm xuống gần bằng 0% từ mức 17% như hiện nay.
TPP cũng có thể giúp dệt may và da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tới 165 tỷ USD vào năm 2025. Trong trường hợp không có TPP, con số này chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn khoảng 113 tỷ USD.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ngành dệt may chính là phần nguyên phụ liệu. Hiện 70% nguyên phụ liệu của ngành dệt may là hàng nhập khẩu, trong đó đa phần nhập khẩu từ những nước chưa ký kết TPP như Trung Quốc. Đây sẽ là rào cản khiến ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập bởi theo quy định về nguồn gốc xuất xứ của TPP, muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì tất cả các nguyên liệu, bắt đầu từ sợi trở đi, phải được sản xuất tại các nước tham gia TPP.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Văn Cẩm – Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, đối với lĩnh vực dệt may, Hiệp định TPP sẽ có một số tác động như sau:
Một là: Hiệp định TPP giúp ngành dệt may tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường TPP hiện nay chiếm tới 65% của dệt may cả nước (Năm 2015 đạt gần 15 tỷ USD, trong đó Mỹ 11 tỷ USD, Nhật Bản 2,8 tỷ USD). Khi thuế suất về 0%, các DN dệt may sẽ tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, dự báo kim ngạch xuất khẩu vào TPP trong những năm tới có thể tăng 15-20%/năm.
Hai là: Tạo việc làm, giải quyết vấn đề lao động, nhất là lao động nông thôn, do lao động dệt may không đòi hỏi nhiều lao động lành nghề, kỹ năng cao như một số ngành khác.
Ba là: Tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài để cơ cấu lại ngành dệt may vốn yếu ở khâu đầu tư thượng nguồn, tức là sợi, vải, nhuộm hoàn tất, do yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi. Điều đó đã được chứng minh khi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.
Bốn là: TPP thúc đẩy cải cách thể chế tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch hơn.
Tuy cơ hội là vậy nhưng ngành dệt may cũng phải vượt qua nhiều thách thức. "Để đáp ứng xuất xứ về TPP thì chúng ta cần đầu tư vào ngành dệt và ngành tẩy nhuộm; ngành dệt cần kết hợp sợi và may nhưng hiện nay hai ngành này vẫn chưa kết hợp được. Đây là vấn đề khó giải quyết. Do đó Chính phủ và doanh nghiệp cần kết hợp để giải quyết bởi nếu đi nhập khẩu sẽ không mang nhiều lợi nhuận, cần đầu tư và nghiên cứu chuyên sâu về dệt và sợi", ông Vũ Huy Đông, Tổng giám đốc công ty CP Đam San nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, để tận dụng khả năng tối đa khi vào TPP, các doanh nghiệp nên: Thứ nhất: Khai thác những gì mà ta tự có. Thứ hai: Chuẩn bị các nguồn nguyên liệu nội khối mà chúng ta hiện chỉ có 10%. Thứ ba: Vấn đề nội khối, chúng ta chỉ mới lôi kéo được Ấn Độ. Hiện Tập đoàn Dệt may đã có sẵn khu xử lý nước thải và cần kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi đàm phán về vấn đề này cần phải đưa ra điều kiện đối tác phải bao tiêu sản phẩm cho chúng ta.
Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm: Dệt may Việt Nam đang gia công xuất khẩu là chính, chủ yếu ở công đoạn cắt may. Như vậy, chúng ta đang nằm ở phân đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất ở chuỗi cung ứng. Trước hết các DN cần tập trung vào lĩnh vực làm tốt để mở rộng đầu tư máy móc, con người. Hiệp hội Dệt may đã tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn do chuyên gia nước ngoài giảng dạy như Chương trình hợp tác của Bộ Công Thương Nhật Bản và Việt Nam dành cho ngành dệt may, Chương trình đào tạo “An toàn trong thiết kế và bán hàng dệt may vào Mỹ” của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ…
Theo ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: "Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp dệt may gặp phải. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị trong hai năm tới để khi hiệp định TPP được thực thi sẽ không gặp phải khó khăn.Trong tính toán của chúng tôi, Hiệp định TPP có thể tiết kiệm tới 1,1 tỷ USD tiền thuế. Dung lượng hấp thụ thị trường của các nước rất lớn như Hoa Kỳ là 110 tỷ USD, EU là khoảng 100 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 42 tỷ USD. Chính TPP cũng sẽ khiến Chính phủ phải thay đổi cách điều hành quản lý để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững".