Tuy nhiên, yêu cầu về quy tắc xuất xứ lại giống nhau và được áp dụng chung. Do đó, mỗi sản phẩm xuất khẩu, nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ của TPP thì đều có thể xuất khẩu sang bất kỳ thị trường quốc gia thành viên nào thuộc TPP, cũng như đều được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Theo quy định chung thì một sản phẩm hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ TPP nếu hàng hóa đó có xuất xứ thuần túy, được trồng, thu hoạch hoặc đánh bắt ở trong khu vực TPP. Ví dụ, cây trồng, động vật sống, khoáng sản… và các chất sản sinh tự nhiên ở các nước TPP.
Còn có trường hợp là hàng hóa được sản xuất toàn bộ trong khu vực TPP và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ từ TPP. Ví dụ, bánh ngọt được sản xuất tại Việt Nam và từ các nguyên liệu như sô cô la có xuất xứ từ Mỹ, đường từ Australia, sữa từ New Zealand… thì được coi là bánh ngọt có xuất xứ TPP.
Ngoài ra, hàng hóa được sản xuất tại TPP mà sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ TPP nhưng đáp ứng được 3 quy tắc xuất xứ cụ thể về chuyển đổi mã hàng hóa, hàm lượng giá trị nội khối và công đoạn sản xuất thì cũng được công nhận là hàng hóa có xuất xứ TPP. Đây là trường hợp phổ biến nhất, trong bối cảnh sản xuất theo chuỗi giá trị như hiện nay. Tuy nhiên, cũng là nhóm quy tắc xuất xứ phức tạp nhất và có khác biệt nhiều nhất giữa TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã từng ký kết trước đây.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập khuyến nghị, để tận dụng các ưu đãi thuế quan trong TPP, các doanh nghiệp cần tìm hiểu chính xác quy tắc xuất xứ áp dụng cho nhóm hàng hóa của mình. Các quy tắc này được quy định tại Phụ lục 3-D thuộc Chương 3 TPP.