Thi nấu canh trứng trong Lễ hội Hết Chá. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Lễ hội Hết Chá gồm hai phần: lễ và hội. Lễ hội mang tính tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở Mộc Châu. Đây là lễ tạ ơn đất trời, tạ ơn công lao chăm sóc phụng dưỡng của cha nuôi và cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành, yên vui. Lễ hội Hết Chá cũng là dịp để bà con dân tộc Thái thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội Hết Chá được địa phương tổ chức thường xuyên và đến nay đã hơn 10 năm, qua đó để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp này.
Theo truyền thuyết, xa xưa ở Mường Mốc - tức Mường Sang ngày nay, có ông thầy cúng tên là Phỉ Mun chuyên dùng thuốc nam chữa bệnh cứu người. Ngày qua ngày, số lượng người được thầy Phỉ Mun cứu chữa ngày một đông. Những người ốm sau khi khỏi bệnh đã xin thầy Phỉ Mun nhận làm con nuôi để tạ ơn công lao chăm sóc chữa trị bệnh. Từ đó, vào độ xuân về, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, là lúc con nuôi thầy Phỉ Mun ở khắp mọi miền trở về thăm thầy. Mỗi người mang theo những lễ vật khác nhau để tạ ơn cha nuôi. Gia đình thầy Phỉ Mun tổ chức một buổi lễ để cùng con cháu về thăm được vui vầy hạnh phúc bên nhau. Lễ hội Hết Chá ra đời từ đó.
Lễ hội Hết Chá là ngày hội đoàn kết, gắn bó cộng đồng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện cuộc sống bình dị mà thanh bình của mọi người dân với thiên nhiên. Tất cả những điều đó được thể hiện trên cây nêu với nhiều loại động thực vật tượng trưng như chim, cá, thuyền bè... Thân cây nêu được làm bằng tre, các nhánh được làm bằng các thanh gỗ và nhiều que tre dùng để treo các mô hình con vật và công cụ lao động được làm rất công phu từ các chất liệu như: nhựa, gỗ, mây, tre, giấy, chỉ màu... Việc làm cây nêu không chỉ đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn, khéo léo mà còn đòi hỏi nhiều yêu cầu như: thân cây phải to, thẳng và phải chọn ngày đẹp để lấy cây về.
Dâng quà, mời rượu (Lúc liểng) nhân dịp gia chủ làm Hết Chá. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Một phần không thể thiếu trong lễ hội là các nhạc cụ dân tộc và đồ cúng lễ cũng khá cầu kỳ. Để tiến hành lễ, thầy cúng phải hát lời mời tổ tiên. Hát xong lời mời, Phị mốt (người bảo vệ lễ hội) cầm cây kiếm đi về phía cây nêu để kiểm tra xem còn thiếu thứ gì không. Nếu thấy đã đủ thì các con nuôi mới được phép lần lượt lên tặng quà tỏ lòng biết ơn thầy. Sau đó, thầy cúng với nội dung thể hiện những khao khát của người dân về một cuộc sống hướng thiện, thanh bình và mong muốn có được cuộc sống đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống đời thường.
Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi, mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc thái trong suốt quá trình dựng bản, dựng mường và xây dựng đời sống mới. Với nhiều hình ảnh được tái hiện vô cùng dí dỏm, sinh động như: một chuyến đi săn, một buổi lên nương, một buổi đi bắt cá, hay một lần lên rừng lấy măng... và ấn tượng hơn cả là hình ảnh tập cày ruộng, nhắc về nền văn minh lúa nước của dân tộc ta từ xa xưa với những kinh nghiệm hay trong sản xuất. Đắm mình trong những hoạt động này con người được hòa mình vào không khí vui tươi, tâm trạng thoải mái, quên đi những nhọc nhằn, vất vả, để thêm yêu lao động, yêu cuộc sống hơn.
Bên cạnh đó, là những làn điệu dân ca, điệu múa dân gian và cảnh sinh hoạt đời thường được các nghệ nhân gửi gắm qua các tiểu phẩm ngắn, sinh động ẩn hiện trong vòng xòe lễ hội Hết Chá là những nét văn hóa đặc sắc thực sự để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Các hoạt động này còn phản ánh chân thực sức sống mãnh liệt của dân tộc Thái trước cuộc sống lao động và sự đấu tranh sinh tồn giữa con người với cuộc sống thiên nhiên.