Múa nón dân tộc Thái trắng Mường So, Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Duy - TTXVN |
Nơi đây đã sản sinh ra nhiều nét văn hóa phi vật thể đặc trưng không nơi nào có được như những điệu xòe, điệu múa quạt, múa nón; truyện thơ Thái cổ Mường So; lễ hội Nàng Han; lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu...đã góp phần tạo nên sự độc đáo của văn hóa vùng dân tộc Tây bắc.
Trở lại bản Nà Củng, xã Mường So trong tiết tháng Giêng, không khí xuân dường như vẫn còn vương vấn trong làn khói bếp tỏa ra từ những nóc nhà sàn cũ kĩ. Cũng như những địa phương khác tại xã, vào dịp lễ tết, trong bản Nà Củng luôn diễn ra các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian để bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Chính vì thế mà Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng thành lập năm 2007, vẫn còn có thể duy trì và tồn tại đến tận bây giờ.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Sứu - "nhạc trưởng" của Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng cho biết: Năm 1972, tôi bắt đầu truyền dạy múa hát dân gian cho những người dân trong bản. Khi ấy, những người tham gia đều có đam mê với văn hóa dân tộc mình. Bởi vậy, cả ngày lên nương, ra ruộng, dù mệt mỏi nhưng đến tối họ lại quây quần, tập trung đốt lửa để tập múa, hát, quên cả thời gian. Từ năm 1972 đến nay, số lượng người tham gia sinh hoạt múa hát vẫn duy trì và tăng về số lượng. Năm 2007, Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng chính thức được thành lập, với 25 thành viên chia thành 2 đội: đội phụ nữ và đội cao tuổi.
Mỗi khi lễ tết, Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng lại bận rộn tập luyện những điệu múa, điệu hát đậm nét văn hóa. Khi tiếng tính tẩu vang lên thành nhịp bài hát cũng là lúc bước chân, cánh tay của những "nghệ sĩ" múa dân gian lại say mê uốn dẻo bài bản. Trong đội cao tuổi của Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng chủ yếu là các bà, các bác đã trên 60 tuổi. Mặc dù đã có người lên chức ông, chức bà và thậm chí "chức cụ" nhưng với niềm đam mê, họ vẫn không ngại hòa mình với tiếng đàn tính tẩu, cùng múa hát để thể hiện tài năng nghệ thuật của mình.
Bà Đèo Thị Ọi, 66 tuổi, thành viên của Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng cho biết: "Tôi gắn bó với câu lạc bộ từ những năm 70. Tôi đã cùng với đội văn nghệ thường xuyên đi tham gia biểu diễn ở các lễ hội truyền thống hàng năm. Với tôi, được tham gia trong Câu lạc bộ là một niềm vui vô cùng lớn vì tuổi tác bây giờ đã cao, việc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ là một điều rất cần thiết cho cuộc sống".
Còn riêng với bản thân nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Sứu, một người con của dân tộc Thái, được sinh ra trong chính cái nôi của văn hóa dân tộc mình nên ông ý thức rất sâu sắc được việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Ông Sứu tỉ mỉ sưu tầm các sách cổ, ghi chép của người Thái, nghiên cứu những thứ liên quan đến các bài múa khăn, múa quạt, múa nón và những điệu xòe để truyền dạy cho các thành viên câu lạc bộ. Ngoài ra, ông Sứu còn tham gia viết sách về các di tích lịch sử, các lễ hội và giới thiệu người Thái trên địa bàn xã Mường So, huyện Phong Thổ; sưu tầm các câu tục ngữ, thành ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích về vùng đất Mường So huyền bí.
Ngoài tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng còn tích cực giao lưu sinh hoạt văn nghệ với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các thành viên và cũng là dịp để các thành viên học hỏi, hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa của các dân tộc khác.
Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Nà Củng, xã Mường So thành lập và hoạt động tích cực đã và đang góp sức truyền dạy những làn điệu văn hóa Thái cho thế hệ trẻ học tập, bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình.