Người Xạ Phang vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của dân tộc mình, trong đó phải kể đến nét độc đáo của trang phục, giày thêu truyền thống thể hiện trong từng họa tiết, hoa văn được làm cẩn thận, tỉ mỉ.
Đến với thôn Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa) vào những tháng giáp Tết, khi những nụ đào còn e ấp chờ ngày nở rộ, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị em dân tộc Xạ Phang đang cần mẫn may trang phục bên hiên cửa để chuẩn bị cho các thành viên trong gia đình đón Tết, vui hội ngày Xuân.
Trang phục của người Xạ Phang mới nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi quan sát kỹ từng chi tiết hoa văn, đường thêu mới thấy được sự công phu, tinh xảo. Áo của người phụ nữ được may theo kiểu cổ tròn ôm sát người. Khuy áo chéo xuống nách dọc theo sườn áo xuống gấu áo được tô điểm bởi họa tiết hoa văn, hòa trộn sắc màu rực rỡ của các loại chỉ màu. Phần cổ áo và tay áo luôn là phần nổi bật nhất bởi người may thường chọn những họa tiết tinh tế, cầu kỳ để thêu lên. Ngoài ra, từng chi tiết hoa văn còn được người thợ khéo léo đính thêm những hạt bạc nhỏ làm tôn lên nét đẹp, quý phái của trang phục. Người Xạ Phang thường kết hợp trang phục truyền thống với khăn quấn đầu và giày thêu thủ công.
Đôi giày của người Xạ Phang cũng không kém phần cầu kỳ. Đế giày được làm bằng mo tre và dán thành nhiều lớp bằng chất keo làm từ từ củ môn giả nhuyễn. Để tạo độ ma sát và bền, người thợ thường khâu thêm sợi dù ở phía dưới. Tấm lót giày thường dùng vải nhung có in hình hoa lá. Phần vải phía trên giày được thêu hoa văn cân xứng nhau, với họa tiết hoa lá, hình khối bắt mắt. Viền giày cũng được may chi tiết, cẩn thận, gam màu để thêu thường dùng là xanh, đỏ, đen, hồng… Giày của người Xạ Phang có cả nam và nữ. Giày cho nữ bịt kín mũi, ôm sát chân, còn giày cho nam để thoáng ở mũi giày và có dây quai để thắt vào. Đôi giày sau khi hoàn thiện có hình dáng thanh thoát, gọn nhẹ.
Chị Thàng Thiều Hóa, người dân tộc Xạ Phang ở thôn Tả Sìn Thàng cho hay, lúc chị 12 tuổi đã được bà, mẹ dạy may trang phục, thêu giày. Một cái áo hoàn thành phải mất hai tuần, trong đó thời gian lâu nhất vẫn là công đoạn thêu họa tiết. Khi mới tập làm, chị phải vẽ ra để thêu cho chính xác, tuy vậy vẫn vụng về, đường chỉ còn sai, rất khó để phối màu. Hiện tại, chị có thể thêu mà không cần vẽ, mọi họa tiết đều được ghi nhớ và cứ thế thêu lên.
Cũng như chị Hóa, chị Hoàng Lao Tú ở xã Tả Sìn Thàng từ nhỏ đã biết may trang phục và thêu giày. Chị Tú cho biết, một chiếc giày được hoàn thiện phải mất gần một tháng. Người thợ may giày rất cẩn thận trong việc chọn nguyên liệu làm đế giày và may đúng kích cỡ. Đặc biệt, từng họa tiết thêu lên giày phải thật khéo léo, bởi đôi giày có đẹp, nổi bật cũng là nhờ những đường nét trang trí. Theo chị Tú, giày chỉ làm cho những người trong gia đình, nếu bán ra thị trường, trị giá mỗi đôi phải hơn 1 triệu đồng. Người dân tộc Xạ Phang thường mang giày thêu kết hợp với bộ trang phục truyền thống vào những ngày lễ tết, cưới hỏi.
Ông Lò Triển Sấn, Trưởng thôn Tả Sìn chia sẻ, thôn Tả Sìn Thàng hiện có 97 hộ, 458 khẩu, 100% là đồng bào Xạ Phang, người dân tộc Xạ Phang xem trang phục truyền thống và đôi giày thêu như là hồn của dân tộc mình. Trải qua bao nhiêu thế hệ, người dân luôn muốn lưu giữ, bảo tồn. Đặc biệt, hầu như tất cả phụ nữ Xạ Phang trước khi lấy chồng đều phải biết may áo quần và thêu giày. Để phát huy và giữ gìn giá trị văn hóa này, ông thường tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ, truyền dạy cho lớp trẻ sau này.
Ông Dương Thanh Sơn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết, cộng đồng dân tộc Xạ Phang luôn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa truyền thống riêng. Đặc biệt là trang phục truyền thống và giày thêu vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Huyện Tủa Chùa thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa vốn có. Địa phương đang khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa đối với trang phục và giày thêu truyền thống của dân tộc Xạ Phang.
Hình ảnh các chị em Xạ Phang xúng xính bên bộ trang phục truyền thống, đôi giày thêu trong đời sống hằng ngày hay những dịp lễ tết đã tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Những bộ áo quần, giày thêu truyền thống không đơn thuần chỉ để làm đẹp mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà người dân tộc Xạ Phang gửi gắm vào trong từng họa tiết, đường kim mũi chỉ. Vì vậy, để bảo lưu giá trị văn hóa này, trách nhiệm không chỉ của người dân Xạ Phang mà cần có sự tham gia, quan tâm của chính quyền cũng như các cấp, ngành liên quan.