Bàn Thạch là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm gần 60% dân số toàn xã, nằm trong Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Bàn Thạch đã có nhiều chuyển biến rõ nét; trong đó đáng kể nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 5 năm qua, cùng với vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 11 km đường liên xã; làm mới hơn 35 km trục ấp và các tuyến liên phum sóc cơ bản đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả mùa mưa.
Đường giao thông nông thôn về các ấp, xã Bàn Thạch được bê tông hóa. |
Theo ông Trần Văn Nhì, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Thạch, khi tiếp thu các chính sách của Chính phủ, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo giám sát chương trình và triển khai đến các đoàn thể xã, ấp và nhân dân. Qua đó, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là Chương trình 134, 135... Các chương trình này là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là địa phương có đông đồng bào dân tộc như Bàn Thạch. Đến nay, số hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn của xã chiếm 96%; hộ sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt trên 90%. Qua đó đã nâng mức thu nhập của người dân từ 11,2 triệu đồng năm 2010 lên gần 30 triệu đồng/người/năm hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 18,%, nay còn trên 8%.
Nông dân xã Bàn Thạch trồng màu thoát nghèo. |
Ông Danh Cường, ngụ ấp Láng Sen, cho biết, trước đây đường sá lầy lội, con em đi học rất vất vả, giờ đường giao thông được nhựa hóa đến từng ngõ xóm, tạo điều kiện cho con em đến trường thuận tiện. Bên cạnh đó, còn mở hướng cho bà con giao lưu hàng hóa, giúp người dân dần thoát nghèo vươn lên.
Nhiều ngôi nhà của người dân xã Bàn Thạch xây dựng khang trang. |
Còn ông Danh Tý, ngụ ấp Cây Trôm cho biết, trước đây ông có 2.000 m2 đất, nhưng lại bỏ trống, rồi đi làm thuê mướn mưu sinh. Sau khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, được cán bộ xã đến hướng dẫn phá bỏ vườn tạp, trồng rau màu như dưa leo, khổ qua, xà lách, rau thơm… cho thu nhập quanh năm và đã thoát nghèo.
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các chương trình chính sách khác đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở Bàn Thạch đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2014, Bàn Thạch đã thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135.