Trong ký ức của bao thế hệ người dân ĐBSCL, mùa nước về là mùa bội thu của nhiều hộ dân đóng đáy, đặt dớn, đặt lợp trên các tuyến sông dọc biên giới Tây Nam và cũng là mùa ấm no của nhiều hộ dân nghèo. Tuy nhiên, những hình ảnh đó đã lùi sâu vào quá khứ bởi sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên ngày càng sụt giảm.
Mùa của dân nghèo
Chiếc ca nô đưa chúng tôi đi dọc sông Thường Phước Ba Nguyên đoạn qua xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vào những ngày cuối tháng 9 khi những thửa ruộng đã ngập sâu dưới dòng nước lũ đổ về từ thượng nguồn sông Mê Kông. Hướng mắt về phía bên kia nước bạn, chỉ thấy biển nước mênh mông và những triền đê có đoạn chỉ cao hơn mặt nước gần 2 tấc tay, thấp thoáng màu vàng của bông điên điển đã gắn bó, nuôi sống những người nghèo trong suốt mùa lũ. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp. Dự kiến vào giữa tháng 10, đỉnh lũ tại Tân Châu sẽ xuất hiện, có khả năng ở mức báo động 2.
Sản lượng thủy sản tự nhiên ngày càng sụt giảm. |
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lem, ngụ tại ấp 1, xã Thường Phước đang chèo chiếc ghe nhỏ len lỏi qua từng khóm cây điên điển mọc trên những bờ đê ngập nước. Anh Lem cho biết, mùa khô vợ chồng anh thuê 6 công đất làm lúa ở bên Campuchia, mùa lũ thì đặt dớn bắt cá và hái bông điên điển. “Nghề này phải đi làm từ 10 giờ đêm hôm trước để kịp mang cá và bông điên điển bán vào phiên chợ sáng sớm hôm sau. Vào đầu mùa, bông điên điển có giá 35.000 đồng/kg nhưng bây giờ chỉ còn 15.000 đồng/kg thôi. Mỗi đêm, vợ chồng tôi hái được 10 kg”.
Chỉ tay về nơi có hàng chục cọc tre nhỏ xíu nhô trên mặt nước, anh Lem cho biết, đó là chỗ đặt dớn cá của vợ chồng anh. Giọng anh buồn buồn: “Năm nay, nước lũ lên chậm, mãi đến tháng 9 mới bắt đầu lên nhanh, nên đầu mùa lũ, cá linh non chạy ít lắm. Đặt dớn từ đêm hôm trước mà đến sáng sớm mai chỉ bắt được 3, 4 kg cá và bán được 20.000 đồng/kg. Nhưng cá linh lên tới Sài Gòn có giá hơn 100.000 đồng/kg. Còn giờ thì tôi bắt đủ loại cá như: cá dảnh, cá heo…, chỉ bán được 10.000 đồng/kg”.
Trong suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây, vào mùa lũ người dân nghèo sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá mỗi ngày từ việc khai thác sản vật mà thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng vài năm trở lại đây, việc mưu sinh trong mùa lũ lại nhọc nhằn, khó khăn hơn vì lượng cá, cua ngày càng ít. Anh Nguyễn Văn Dư, 33 tuổi, ngụ tại ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A rầu rĩ nói: “Tôi chạy cả ngày trời để đặt lợp, rồi chạy qua chỗ khác gỡ lợp, trừ hết chi phí xăng dầu, tiền mồi, tính trung bình mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 2 - 3 kg cua đồng với khoảng 70.000 - 80.000 đồng tiền lời. Chắc mùa lũ năm sau, tôi lên thành phố kiếm việc khác”.
Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt
Anh Lê Văn Vạn, chủ đáy cá trên sông Châu Đốc, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, là một trong những chủ đáy đầu tư phương tiện đánh bắt quy mô lớn với 3 miệng đáy. Hiện nay, mỗi ngày anh đánh bắt trung bình khoảng 300 kg cá các loại và bán với giá cá mồi (làm thức ăn thủy sản) 6.000 đồng/kg. Nhắc đến tình hình đánh bắt vào đầu mùa lũ, anh Vạn cho biết: “Từ đầu tháng 7, chúng tôi bắt đầu đánh bắt cá linh non. Năm ngoái, vào đầu mùa, chúng tôi bắt được 4 - 5 tấn/ngày nhưng năm nay chỉ được khoảng 1 tấn/ngày, nhưng năm nay chỉ được khoảng 1 tấn/ngày. Trừ hết chi phí, đến nay tôi chỉ kiếm được 100 triệu đồng. Trong khi tiền “đấu” đáy lên đến 787 triệu đồng/năm. Chưa biết vào đỉnh lũ năm nay như thế nào, nhưng nếu tình hình như thế này thì chắc chắn là lỗ vốn”.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Giang, trong 10 năm qua, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên đã sụt giảm đến 60% nên việc kiếm sống của người dân ngày càng khó khăn. Trong khi đó, tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch huyện cho biết: “Đánh bắt thủy sản tự nhiên cũng giảm hơn 50%, từ 3.000 - 4.000 tấn/năm chỉ còn 1.000 - 2.000 tấn/năm. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng do tình trạng đánh bắt thủy sản tự nhiên bừa bãi từ nhiều năm qua”.
Theo Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự, vừa qua trạm đã kiểm tra 21 phương tiện đánh bắt thủy sản thì phát hiện tới 5 trường hợp sử dụng xung điện, 7 trường hợp sử dụng loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, phạt 17 hộ đóng đáy sai quy định.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia tư vấn sinh thái độc lập cho biết: Nhiều công trình nghiên cứu nguồn nước trên sông Mê Kông đã cảnh báo, sau nhiều năm chịu tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, kết hợp với hậu quả của các đập thủy điện trên thượng nguồn…, lượng thủy sản trong tự nhiên ở ĐBSCL mùa lũ sẽ ngày càng sụt giảm. Do vậy, đời sống người dân vùng đầu nguồn sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Bài và ảnh: Anh Đức
Bài cuối: Tội phạm gia tăng trong mùa lũ