Trồng rừng không chỉ giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, mà còn góp phần “phủ xanh” hàng chục ngàn ha đất trống, đồi trọc trên địa bàn.
Gia đình anh Y woanh M’lô, buôn Mduôi, xã Ea Trang bắt đầu trồng keo lai từ năm 2003. Theo anh Y woanh M’lô, trước đây gia đình có 2ha đất trồng mì (sắn) và cà phê trên đồi cao, nhưng do dất đồi có độ dốc cao, bạc màu, cà phê không ra quả, mì cho năng suất thấp, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, thường thiếu đói khi mùa giáp hạt.
Năm 2003, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình đã mạnh dạn đầu tư tiền mua cây giống, phân bón chuyển đổi 2 ha đất sang trồng keo lai. Đồng thời, gia đình nhận trồng thêm 2ha keo lai liên kết với Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, huyện M’Đrắk (Dự án 661).
Trồng liên kết gia đình được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây keo năm đầu, đến kỳ thu hoạch chỉ phải trả lại tiền mua cây giống, phân bón cho Ban quản lý dự án. Với 4ha keo lai từ năm 2003 đến nay, gia đình Y woanh M’lô đã thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt đạt gần 300 tấn keo nguyên liệu, trừ chi phí gia đình thu về hơn 200 triệu đồng/đợt.
Gia đình ông Y Thin, buôn Mduôi cũng mạnh dạn chuyển 3ha đất đồi sang trồng keo lai từ năm 2003, đến nay gia đình đã thu hoạch 2 đợt, với sản lượng 100 tấn/ha. Theo ông Y Thin cây keo rất thích hợp với chân đất, điều kiện khí hậu ở Ea Trang, người trồng keo chỉ cần bỏ công chăm sóc năm đầu tiên, các năm sau cây keo tự sinh trưởng, phát triển.
Với giá gỗ keo nguyên liệu đạt 900.000đồng/tấn, trừ chi phí mỗi đợt gia đình thu về 150 triệu đồng. Để nâng cao năng suất vườn keo, mùa mưa năm nay ông Y Thin đã sử dụng giống keo dâm hom mua từ Đồng Nai về trồng. Theo ông Y Thin đây là giống keo sinh trưởng phát triển ngắn ngày, nếu chăm sóc tốt cho thu hoạch chỉ từ 3 - 4 năm, sản lượng có thể đạt được từ 100 - 120 tấn/ha.
Chủ tịch UBND xã Ea Trang-Y Đôi Niê cho biết, Ea Trang có diện tích tự nhiên khá lớn gần 27.000ha; trong đó khoảng 80% diện tích là đất lâm nghiệp. Trong chiến tranh, những cánh nguyên sinh ở Ea Trang đã bị rải chất khai quang để đốt trọc, nhằm ngăn chặn tiếp tế lương thực từ miền xuôi lên Tây Nguyên. Trong nhiều năm liền, hàng nghìn hecta đồi trọc ở Ea Trang đã trở thành vùng đất chết, chỉ có cỏ tranh, dây leo là sống được.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm 1994, Đảng ủy, UBND xã đã vận động người dân chuyển phần lớn diện tích đất đồi núi trọc sang trồng keo lai. Một số dự án như Chương trình 327 phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, Chương trình 5 triệu ha rừng hỗ trợ vốn cho người dân trồng rừng theo Dự án 661, Dự án Flitch nguồn vốn ADB hỗ trợ vốn, cây giống khoa học kỹ thuật, phát triển cây keo trên địa bàn.
Ngoài ra, xã cũng đã cử cán bộ tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân tập trung phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng rừng gắn với bảo vệ đi đôi với khai thác sản phẩm từ rừng. Đến nay, xã đã có trên 3.000 ha rừng trồng với trên 80% số hộ dân gắn với kinh tế rừng; trong đó, có 1.0 ha đất rừng của người dân và 1.720 ha đất rừng nhận khoán của các dự án, công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Cây keo nguyên liệu do người trồng đã được chính quyền xã liên kết với Nhà máy băm dăm-Hợp tác xã Tiến Nam (đơn vị đóng chân trên địa bàn) thu mua keo nguyên liệu cho người dân. Đầu ra cho sản phẩm được giải quyết nên các hộ trồng keo trong xã đều rất vui mừng.
Theo ông Y Đôi Niê, thành công lớn nhất từ chủ trương chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả ở các khu vực đồi trọc sang trồng rừng không chỉ góp phần phủ xanh hàng chục ngàn hecta đất trống, đồi trọc mà còn hạn chế rửa trôi do bảo, lũ, giữ đất, giữ nước ngầm cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, dọc các chân đồi ở Ea Trang người dân cũng đã phát triển được 400 ha lúa nước 2 vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Đrắk Nguyễn Thế Thập cho biết, hiệu quả từ rừng trồng mang lại lớn hơn so với các loại cây trồng khác nên những năm gần đây người dân Ea Trang đã đầu tư thích đáng để trồng rừng. Để phát triển rừng trồng bền vững, chủ trương của huyện khuyến cáo địa phương không mở rộng thêm diện tích rừng trồng mà đầu tư khoa học kỷ thuật, các giống mới (keo dâm hom, keo cấy mô) để nâng cao năng suất cao, sản lượng, tăng thu nhập cho người dân trên một diện tích.
Hiệu quả từ chủ trương trồng rừng sản xuất, gắn với bảo vệ phát triển rừng cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước qua các chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới, Ea Trang đã vươn lên tạo một diện mạo mới. Hiện, tỷ lệ đường liên xã được cứng hóa 100%, đường nội thôn, buôn được cứng hóa đạt %. Xã đã thực hiện được 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...
Từ những vạt đồi trọc trùng điệp nối tiếp nhau, đến nay Ea Trang đã được phủ một màu xanh ngút ngàn của cây keo lai. Dưới tán rừng, những ngôi nhà sàn, nhà ngói, nhà tầng đã dần mọc lên san sát nhau, đồng bào Ê đê, M’nông, Ba na ở Ea Trang luôn đoàn kết, cần mẫn gieo mầm xanh trên những vạt đồi, vẫn rĩ tai nhau, trồng rừng, bảo vệ rừng và làm giàu từ rừng.