Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây là 1 trong 3 lễ chính hàng năm của tộc người Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Ok om bok và Chôl Chnam Thmây). Vui đón Tết cổ truyền năm nay (diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16/4/2011) hơn 300.000 người Khmer hiện đang sinh sống ở tỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới là bởi vì đời sống vật chất, tinh thần của họ được nâng lên rõ nét. Đặc biệt, với các hộ Khmer nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề… thì niềm vui còn được nhân lên gấp bội.
Thi đấu bóng chuyền mừng Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây. Ảnh: Huy Hoàng |
Ông Thạch Sanh, người Khmer, ngụ ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, vừa xây xong căn nhà mới khá khang trang, trị giá gần 30 triệu đồng, phấn khởi cho biết: Gia đình ông có 0,5 ha đất trồng lúa. Vào năm 2000 cần vốn sản xuất, ông vay ngân hàng 10 triệu đồng. Nhiều năm lao động cật lực, chi tiêu tiết kiệm nhưng ông không thể nào trả được nợ, vì năng suất lúa của ông chỉ đạt cao nhất 3 tấn/ha/vụ. Do nợ quá hạn lâu ngày, ngân hàng “xiết” quá ông dự định bán đất để trả. Nhưng vào đầu năm 2007 nhờ các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý chọn khu vực này xây dựng mô hình sản xuất mới, năng suất lúa của ông luôn đạt hơn 9 tấn/ha/vụ. Chỉ sau hai năm tham gia mô hình, ông đã trả được món nợ ngân hàng và nay xây được căn nhà mới đúng dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc Khmer. Vì vậy, năm nay gia đình ông vui lắm…
Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần hiện có 473 hộ dân, với 3.326 nhân khẩu; trong đó, có 98% là đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, khu vực này được liệt vào vùng đất khó, do đất triền giồng, gò cao sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời nên hàng năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa mùa vào mùa mưa, năng suất bấp bênh, đời sống người dân trong vùng phần lớn gặp khó khăn…
Kể từ khi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ xây dựng hệ thống kênh bê tông nổi và hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2007. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý chọn khu vực này xây dựng mô hình điểm “Cùng nông dân ra đồng” trong “Liên kết giữa 4 nhà” để sản xuất lúa chất lượng cao. Chỉ sau 4 năm với 10 vụ sản xuất, năng suất lúa liên tục tăng; nếu như trước năm 2007, năng suất lúa bình quân toàn ấp chỉ đạt 3- 4 tấn/ha/vụ, nay nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong số 126 hộ tham gia mô hình sản xuất trên diện tích 110 ha, có 117 hộ đạt 7 - 8 tấn/ha, 9 hộ đạt 9 - 9,5 tấn/ha. Năng suất lúa tăng, kéo theo đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể; một số hộ liên tiếp trúng mùa trở nên khá, giàu, sắm sửa được nhiều phương tiện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt gia đình,… Bộ mặt nông thôn của ấp gần như lột xác, nhiều nhà khang trang được xây mới. Năm 2006, toàn ấp có 136 hộ nghèo, nay chỉ còn 33 hộ, đặc biệt có 3 hộ nghèo trước đây nay trở nên khá giả.
Còn tại huyện Trà Cú, một huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer (trong số 40.100 hộ dân, với trên 171.000 nhân khẩu có khoảng 60,5% là đồng bào dân tộc Khmer), trong số 19 xã, thị trấn của huyện hiện còn 8 xã thuộc Chương trình 135 (giai đoạn II) được Trung ương tiếp tục đầu tư trên 45 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp cho trên 1.400 hộ Khmer nghèo. Riêng Chương trình 135 (giai đoạn I) Trà Cú được Trung ương đầu tư trên 35,6 tỷ đồng; trong đó, dành gần 4,4 tỷ đồng hỗ trợ 1.415 hộ Khmer nghèo phát triển sản xuất, dành khoảng 28 tỷ đồng xây dựng 46 hạng mục, công trình hạ tầng ở cơ sở. Điều đáng biểu dương là Trà Cú có cách làm khá hay khi triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện, theo nguyên tắc: “Xã có công trình, người dân địa phương có việc làm”.
Với cách làm này, các địa phương ở huyện Trà Cú đã tạo việc làm thêm cho trên 5.000 lao động từ các công trình, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo ở địa phương…
Với những đổi thay này, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Trà Vinh năm nay thật sự no ấm, vui tươi.
Huy Hoàng