Đồng bào Mông thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách

Nhờ được vay vốn, đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Anh Thao Văn Tông ở Bản Pù Đứa xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát vay vốn mua máy xay xát kinh doanh có hiệu quả. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Nhờ được vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Thanh Hóa và được tư vấn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả, đồng thời được chuyển giao tiến bộ sản xuất, đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tính trông chờ, ỉ lại cũng được xóa bỏ, tình trạng di cư tự do cũng giảm hẳn.

Ngược dòng thời gian khoảng 5-7 năm về trước, phần lớn đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa chỉ biết trông chờ ỉ lại vào trợ cấp của nhà nước. Khi có tiền họ lại sử dụng sai mục đích như mổ trâu, lợn uống rựu… Nhưng đến nay nhận thức của họ đã có nhiều đổi thay tiến bộ.

Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã thật sự yên tâm giao vốn cho các gia đình sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu của đồng bào Mông chỉ chiếm 0,22% và thường rơi vào những gia đình có lao động chính bị ốm đau, hoặc bị mất.

Khi chúng tôi về bản Pù Đứa của đồng bào dân tộc Mông ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) vào những ngày giáp tết đã chứng kiến nhiều đổi thay của đồng bào nơi đây. Hiện toàn bản có 75 hộ thì đã có trên 200 con trâu, bò, 600 con lợn. Nhiều hộ đã có ti vi, xe máy.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Thao Văn Tông, Bí thư chi bộ bản Pù Đứa phấn khởi cho biết: “Tết năm nay dân bản ăn tết to, bởi mấy năm gần đây bà con đều được mùa, sản xuất kinh doanh đều có lãi, nên các gia đình có điều kiện sắm sửa cái tết được tươm tất hơn.”

Trước đây đa số các hộ ở bản Pù Đứa đều đói, nghèo, phải trông trờ vào trợ cấp gạo của Chính phủ, nhưng đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo xóa bỏ được tư tưởng lạc hậu và đã biết làm ăn kinh tế. Những biến chuyển tích cực này là nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa cho vay vốn.

Từ năm 2008 đến nay, người dân bản Pù Đứa đã vay từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa 1,3 tỷ đồng. Riêng trong năm 2017, toàn bản đã vay gần 300 triệu đồng; trong đó hộ vay nhiều nhất là 50 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh.

Gia đình anh Tông cũng là một điển hình trong việc vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay và là tấm gương cho đồng bào nơi đây học tập, noi theo. Trước đó, gia đình anh đã vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa để mua máy xay xát. Công việc xay xát lương thực cho bà con dân bản mang lại thu nhập khá nên anh đã trả hết nợ vay ngân hàng. Đến năm 2016 anh Tông tiếp tục vay ngân hàng 30 triệu đồng để khai hoang đất trồng lúa nước. Dự kiến trong năm 2018 gia đình anh sẽ trả hết nợ ngân hàng và anh cũng có kế hoạch tiếp tục vay vốn để nuôi thêm trâu, bò cho gia đình.

Khi đến thăm gia đình ông Thao Văn Nhia, một gia đình trước đây là hộ nghèo khó trong bản, nhưng đến nay gia đình ông đã có cơ ngơi cả bản phải nể phục. Không giấu được niềm tự hào, ông Nhia cho biết, từ năm 2008 gia đình ông đã đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa 10 triệu đồng để nuôi trâu, bò. Năm 2014 gia đình ông vay tiếp ngân hàng thêm 50 triệu nữa để mua thêm 4 con bê.

Đến nay gia đình ông Nhia đã có 20 con trâu, bò và một máy cày để cày. Còn trong nhà ông Nhia các trang thiết bị sinh hoạt cũng không thiếu thứ gì, từ ti vi, 3 chiếc xe máy đến đài catset đã được ông Nhia mua để phục vụ sinh hoạt gia đình. Hiện gia đình ông Nhia cũng đã trả được hết nợ ngân hàng.

Tuy nhiên để đồng bào dân tộc Mông sử dụng nguồn vốn có hiệu quả là cả một quá trình với nhiều cách làm sáng tạo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh như: phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể khảo sát và lập danh sách số hộ đủ điều kiện được vay (có tư liệu sản xuất, có chuồng trại chăn nuôi, có nhà ở...) nhằm tránh tình trạng đồng bào di cư tự do; khi cho vay vốn, ngân hàng đã kết hợp tư vấn, hướng dẫn đồng bào Mông sử dụng nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương…

Đơn cử như người dân bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát mở rộng chăn nuôi con đặc sản là gà đen, bản Cơm nuôi dê… Với địa bàn có nhiều diện tích lúa nước, tổ tư vấn hướng dẫn, tư vấn đồng bào vay vốn để đầu tư máy cày, máy tuốt lúa, nơi nhiều đồi núi thì chăn nuôi trâu bò...

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ thực hiện khảo sát, tư vấn sản xuất, kinh doanh cho các hộ trước khi cho vay, nhưng cũng không giao tiền trực tiếp cho các hộ dân mà phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cùng đồng hành với hộ gia đình tìm mua trâu, bò, tư liệu sản xuất...

Cách làm này đã giúp đồng bào nơi đây sử dụng vốn đúng mục đích. Khi đã có tư liệu sản xuất, huyện, xã cũng thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn đồng bào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đúng kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế.

Từ những hộ đã thành công nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đã khích lệ đồng bào cũng nơi đây học tập, thi đua nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 3.500 hộ đồng bào dân tộc Mông được vay vốn của Ngân hàng (chiếm 75% tổng số hộ đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa).

Tính đến hết năm 2017, có 1.1 hộ đang vay vốn với tổng dư nợ gần 44,2 tỷ đồng. Điều đáng mừng là nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần giúp đồng bào Mông trên địa bàn Thanh Hóa giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 85% trong giai đoạn 2011-2015 đến năm 2017 còn khoảng 60%. Nợ xấu của đồng bào Mông chỉ chiếm 0,22% và thường rơi vào những gia đình có lao động chính bị ốm đau.

Không giấu được niềm vui, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền cho biết: Ban đầu khi giao vốn cho đồng bào cũng có nhiều băn khoăn lo ngại bởi bà con dân tộc Mông sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, đem tiền đi uống rượu, lo bà con thiếu kiến thức sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa từ năm 2013 trở về trước, tình trạng di cư tự do của một số hộ đồng bào Mông vẫn còn diễn ra khiến Ngân hàng sợ bị mất vốn... Tuy nhiên, đến thời điểm này ngân hàng hoàn toàn yên tâm khi giao vốn cho đồng bào dân tộc Mông. Cũng nhờ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, nên đời sống đồng bào Mông được nâng lên, bà con cũng không di cư tự do như trước đây nữa.

TTXVN/Báo Tin tức
Bảo tồn văn hóa Dao khi hội nhập
Bảo tồn văn hóa Dao khi hội nhập

Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của người Dao hướng tới phát triển bền vững tộc người trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa là yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN