Đồng USD trượt giá trong phiên giao dịch ngày 3/3 trên thị trường châu Á sau khi thị trường đón nhận những thông tin tốt xấu đan xen từ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn ở gần mức cao nhất trong hai năm qua so với đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cắt giảm lãi suất vào ngày 28/2 vừa qua, lần cắt giảm thứ hai trong vòng ba tháng trở lại đây.
Tại thị trường Tokyo chiều 3/3, đồng USD giảm xuống còn 119,58 yen/USD, so với 120,17 yen/USD vào lúc đóng cửa phiên hôm trước trên thị trường New York. Đồng bạc xanh cũng giảm giá so với đồng tiền chung châu Âu khi 1 euro phiên này đổi được 1,1196 USD, so với 1,1182 USD của phiên trước. Đồng USD phiên này chịu sức ép sau khi số liệu cho biết hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng Hai đã chậm lại trong tháng thứ tư liên tiếp.
Tuy nhiên, dù giảm nhẹ xuống còn 6,2737 NDT đổi 1 USD trong phiên này, song đây vẫn là mức xấp xỉ với mức cao nhất của USD so với NDT kể từ tháng 10/2012 là 6,2850 NDT/USD, được lập vào phiên hôm trước trên thị trường New York, và cao hơn nhiều so với mức 6,26 trong phiên cuối tuần trước (27/2), thời điểm trước khi Bắc Kinh cắt giảm lãi suất.
Vào ngày 28/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương nước này), đã cắt giảm thêm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, do lạm phát "thấp lịch sử". Đây là động thái mới nhất nhằm "kích" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi trong năm ngoái, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 25 năm qua.
Các nhà giao dịch hiện đang dồn chú ý tới kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc, sẽ khai mạc vào ngày thứ Năm (5/3) tới, với bài phát biểu về tình hình kinh tế của Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc. Theo chuyên gia phân tích về ngoại hối Xiang Chu tại Industrial Bank thì NDT đang ngày càng kém hấp dẫn so với đồng USD. Giới đầu tư dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, qua đó làm giảm giá trị của đồng NDT và thúc đẩy nhà đầu tư bán đi đồng tiền này.
Đồng euro phiên này giảm xuống còn 133,88 yen/euro so với 134, yen/euro vào cuối phiên trước tại Mỹ. Đồng USD phiên này cũng giảm giá so với hầu hết các đồng tiền của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Trong phiên giao dịch chiều ngày 3/3, tại thị trường châu Á, “vàng đen” tăng giá, tuy nhiên đà tăng này bị hạn chế do nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài "cuộc chơi" và chờ đợi kết quả của các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt tình trạng đình công tại một số nhà máy lọc dầu ở Mỹ.
Chiều cùng ngày trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 36 xu lên 49,95 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 89 xu lên 60,43 USD/thùng.
Từ ngày 1/2/2015, hơn 5.000 nhân công tại nhiều cơ sở dầu mỏ của Mỹ đã đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện an toàn lao động. Đợt đình công này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các cơ sở chi phối khoảng 13% công suất xử lý dầu tại Mỹ.
Theo Nicholas Teo, chuyên gia phân tích thị trường thuộc CMC Markets (Singapore), các nhà đầu tư cũng đang dõi theo cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran tại Thụy Sĩ liên quan đến chương trình hạt nhân của đất nước Hồi giáo này.