Việc giá trị đồng USD tăng cao trong nhiều năm qua đã làm dịu bớt nỗi lo về sự sụp đổ của đồng tiền này. Tuy nhiên, đó chưa hẳn đã là tin tốt, bởi đồng USD quá mạnh có thể đe dọa hệ thống tài chính thế giới. Ngày càng có nhiều chuyên gia lo ngại rằng hiện tượng này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng trong các nền kinh tế mới nổi. Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia, các doanh nghiệp và các hộ gia đình hiện đã mắc nợ tới 10.000 tỷ USD, trong đó các nền kinh tế mới nổi vay khoảng 5.600 tỷ USD. Món nợ khổng lồ này có thể trở thành một nguy cơ hiện hữu, bởi hầu hết các khoản vay này được tính bằng đồng USD. Mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo rằng sự tăng giá của đồng USD so với so các đồng tiền khác có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.
Sự tăng giá hiện nay của đồng USD là một trong những đợt tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ số "Dollar Index" - thước đo sức khỏe của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới - đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2006. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại không phải ở con số tuyệt đối của chỉ số mà là ở tốc độ tăng giá.
Đồng USD quá mạnh có thể đe dọa hệ thống tài chính thế giới. |
Kể từ đầu tháng 7/2014, giá trị của đồng USD đã tăng tới 13% so với các đồng tiền thương mại chủ chốt, trong đó tăng hơn 30% so với đồng rouble. Đối với các công ty vay nợ bằng đồng USD, điều đó có nghĩa là gánh nợ sẽ nặng thêm. Ông Hans Redeker, một chiến lược gia về tiền tệ tại Morgan Stanley, lưu ý rằng do số tiền vay của các nền kinh tế mới nổi thường được sử dụng để đầu tư nội địa, khả năng cân đối tài chính của nhiều doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong quá khứ, sự tăng giá của đồng USD đã gây ra các cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, điển hình là vào đầu những năm 1980, đồng USD mạnh đã khiến các quốc gia Nam Mỹ lâm vào rắc rối lớn và các "con hổ châu Á" đã sụp đổ hàng loạt vào giữa những năm 1990.
Hiện nay, riêng Trung Quốc vay nợ khoảng 1,1 nghìn tỷ USD, song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tạo được một tấm "lá chắn" bằng gần 4.000 tỷ USD dự trữ. Bắc Kinh đã rút được bài học lớn trong cuộc khủng hoảng châu Á (1997-1998), khi họ nhận thấy các chính phủ lần lượt lâm nguy do không có khả năng trả nợ bằng đồng USD và rơi vào suy thoái.
Ở các quốc gia khác, "lá chắn bảo vệ" này là khá mỏng. Với 361 tỷ USD dự trữ, Nga cũng có vẻ là quốc gia có lượng dự trữ ngoại tệ ấn tượng. Tuy nhiên, con số này là rất nhỏ bé so với mức nợ nước ngoài của họ đã lên tới 678 tỷ USD. Brazil có 375 tỷ USD dự trữ, trong khi các ngân hàng và doanh nghiệp của nước này nợ nước ngoài tới 4 tỷ USD. Theo thống kê của BIS, 63% nợ quốc tế hiện nay là bằng đồng USD, 19% bằng đồng euro, 8% bằng bảng Anh và 3% bằng đồng yên Nhật Bản.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng đồng USD giờ đây đã lấy lại ưu thế vốn có của nó, và sự tăng giá mạnh mẽ của nó, nếu tiếp tục diễn ra, có thể trở thành một vấn đề đối với toàn thế giới. Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, nó có thể dẫn đến một làn sóng phá sản ở Nga, Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác, đồng thời sẽ tác động nghiêm trọng tới Đức và các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu khác.
Minh Đức(Theo mạng tin "World Crunch")