Sau 50 năm tồn tại, KCN Biên Hòa 1 - KCN đầu tiên của Việt Nam đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử và đã không còn phù hợp do không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 theo chủ trương của Chính phủ nhằm bảo vệ sông Đồng Nai là cần thiết và là tất yếu khách quan. Đó cũng là một trong những bước đi nhằm đảm bảo phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường theo đúng định hướng phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, dự án này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại những bước phát triển mới cho các DN, nhân dân và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Họp Ban chỉ đạo chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Ảnh: dongnai.gov.vn |
Với ý nghĩa đó, Dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 đã và đang được chính quyền tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan quyết tâm triển khai, mặc dù đây là dự án lớn lại chưa có tiền lệ nên việc triển khai sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để đạt được mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sông Đồng Nai đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong KCN Biên Hòa 1 đổi mới thiết bị, công nghệ và tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Đồng Nai, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì dù phải mất nhiều thời gian, công sức nhưng việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là việc hết sức cần thiết và không thể chậm trễ hơn nữa. Bởi càng kéo dài sự tồn tại của KCN Biên Hòa 1 thì việc cứu sông Đồng Nai càng trở nên khó khăn bởi dòng sông này đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử” bởi tình trạng ô nhiễm đang ngày càng trầm trọng. Và nếu không sớm cứu sông Đồng Nai thì hệ lụy từ việc ô nhiễm sẽ tạo nên thiệt hại khôn lường về kinh tế - xã hội cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... là những địa phương có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phù hợp với định hướng quy hoạch
Bên cạnh mục tiêu hàng đầu là bảo vệ môi trường, cứu sông Đồng Nai, việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 cũng là một bước đi phù hợp với định hướng quy hoạch của TP Biên Hòa đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.
Thành phố Biên Hòa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông, giao lưu của tỉnh Đồng Nai. Trong mối liên hệ vùng, thành phố Biên Hòa là đô thị vệ tinh và là đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo qui hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 227/2003/QĐ-TTg ngày 06/10/2003, TP Biên Hòa sẽ phát triển theo hướng khai thác, nâng cao hiệu quả quỹ đất xây dựng hiện có, kết hợp mở rộng và phát triển thành phố chủ yếu về phía Bắc, Tây Bắc và dọc hai bên sông Đồng Nai tạo mối liên hệ hài hòa TP Biên Hòa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Do vậy, để có thể phát triển TP Biên Hòa theo đúng quy hoạch, việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Khu Đô thị - Dịch vụ - Thương mại là cần thiết và tất yếu khách quan. Qua đó, tạo nên khu Đô thị - Dịch vụ - Thương mại mới hiện đại, văn minh nằm trải dài theo bờ sông Đồng Nai, gắn kết hài hòa với kiến trúc tổng thể của khu trung tâm thành phố Biên Hòa và cù lao Hiệp Hòa, đáp ứng về sự hòa hợp giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên tạo nên một không gian đô thị xanh, hiện đại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ được nâng cao chất lượng cuộc sống với môi trường được cải thiện và không gian sống hiện đại, tiện nghi, không ô nhiễm môi trường và đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Bên cạnh đó, dự án cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và giúp cho người dân TP Biên Hòa cải thiện đời sống.
Một người dân đang cư ngụ tại tổ 1, khu phố 3, phường An Bình cho biết: “Bao năm nay, tình trạng ô nhiễm của KCN Biên Hòa 1 đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của các khu dân cư lân cận, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm về không khí. Qua các phương tiện báo đài chúng tôi cũng biết KCN này đã gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai và không có cách nào để khắc phục và hạn chế. Vì vậy, nghe tin tỉnh sắp di dời KCN này, chúng tôi rất vui mừng vì môi trường sống sắp được cải thiện tốt hơn, con em chúng tôi có cơ hội việc làm và được sinh sống trong khu đô thị văn minh, không ô nhiễm và có nhiều việc để làm. Nhưng hi vọng là dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 sớm hoàn thành, không bị kéo dài vì trước hết, chúng tôi cần được trả lại môi trường sống trong lành”.
Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 5 năm qua bên cạnh những thuận lợi từ thành tựu trong 25 năm đổi mới của đất nước, tỉnh Đồng Nai cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện. Để tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh CNH-HĐH đi đôi với bảo vệ môi trường, xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản CNH-HĐH vào năm 2015, một trong những mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2010-2015 do Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX đã đề ra là: “Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp để đến 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 56-57%, dịch vụ chiếm % và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 5-6%”. Để đạt được các chỉ tiêu này, tỉnh Đồng Nai cần có những biện pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của các ngành dịch vụ thông qua các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các ngành dịch vụ. Trước mắt phải ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ tại các khu vực có tiềm năng sẵn có trong tỉnh như thành phố Biên Hòa.
Khi thực hiện dự án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Trung tâm Dịch vụ - thương mại, tỷ trọng dịch vụ - thương mại trong cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ gia tăng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng mà tỉnh Đảng bộ đã đề ra.