Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cảnh báo chất lượng nước sông Đồng Nai đang xấu dần đi, có những đoạn “chết lâm sàng” vì ô nhiễm quá mức. Hệ lụy là khoảng 20 triệu người đang có nguy cơ không có nước sạch để dùng. Nguyên nhân là trên lưu vực sông Đồng Nai có hàng trăm khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất đang hoạt động. Trong đó, KCN Biên Hòa 1 là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong danh sách các nguồn gây ô nhiễm đối với sông Đồng Nai. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã quyết định di dời KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai.
Sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Hệ thống sông Đồng Nai có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 20 triệu người dân thuộc 11 tỉnh thành cần nguồn nước từ sông Đồng Nai phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Thế nhưng sông Đồng Nai lại đang hứng chịu những “tổn thương” nặng nề từ tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng và chuyện một dòng sông có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế TP.HCM - Đồng Nai lại đang có nguy cơ trở thành mối đe dọa đối với những địa phương này đang là vấn đề nhức nhối.
Cùng với tình trạng ô nhiễm gia tăng của Sông Đồng Nai, 20 triệu người đang có nguy cơ không có nước sạch để dùng. Theo đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có xu hướng tăng dần do tiếp nhận lượng lớn chất thải, nước thải từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều chỉ tiêu đã vượt chuẩn cho phép, tăng cao qua mỗi năm. Cụ thể, ô nhiễm hữu cơ tăng cao gấp 2 lần, amoniac có thời điểm cao gấp 8-10 lần, hàm lượng vi sinh luôn vượt chuẩn từ 5-7 lần mức cho phép. Trên sông Đồng Nai, vào mùa mưa, độ đục tăng trên 100 NTU, độ màu lên đến trên 600 Pt-Co. Hàm lượng amoniac, vi sinh gây bệnh, mangan, sắt tăng mạnh. Các chỉ tiêu này ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nước và chi phí sản xuất của các nhà máy nước.
Ô nhiễm ở mức báo động
Nước sông Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, với mức độ ô nhiễm dầu, coliform, kim loại nặng và độ mặn có xu hướng tăng dần. Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cảnh báo chất lượng nước sông Đồng Nai đang xấu dần đi, có những đoạn “chết lâm sàng” vì ô nhiễm quá mức. Chỉ số chất lượng nước năm 2012 tại các điểm quan trắc đều thấp hơn năm 2011, cho thấy chất lượng nước ngày càng suy giảm. Hạ nguồn sông Đồng Nai còn đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng vào sâu hơn. Theo Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh Đồng Nai, trong tháng 11- 2012, kết quả đo độ mặn trên sông Thị Vải (khu vực cửa sông Đồng Nai tiếp giáp với biển) dao động từ 10,2‰ - 24,9‰, cao hơn tháng 9 - 2012 khoảng 2‰.
Gần đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, chất lượng nước trên sông Đồng Nai tuy vẫn đủ điều kiện để cấp nước sinh hoạt ở một số đoạn nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, sông Đồng Nai từ đoạn 1 đến đoạn 2 (đoạn từ sau khi hợp lưu sông Đồng Nai và sông Đạ Hoai đến bến đò Bà Miêu, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) dù chất lượng nước đạt mục đích sử dụng cho cấp nước sinh hoạt; song một vài thông số ô nhiễm vẫn vượt ngưỡng. Riêng đoạn 3 (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai, TP Biên Hòa) hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải tiến hành xử lý ô nhiễm mới đủ khả năng cấp nước cho sinh hoạt.
Điểm tên nguồn gây ô nhiễm
Có thể nói, tình trạng ô nhiễm của sông Đồng Nai đang là mối nguy hiểm tấn công con người hằng ngày. Nguyên nhân làm cho nước sông Đồng Nai ngày càng bị ô nhiễm là do nhiều vấn đề bức xúc đến nay vẫn chưa được giải quyết, như: dân số tập trung đông, lượng nước thải sinh hoạt rất lớn nhưng chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố; nước thải y tế chưa được thu gom, xử lý triệt để, nhất là nước thải ở các bệnh viện công; vấn đề thu gom, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại... Đặc biệt là lượng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý nhưng không đạt chuẩn với tải lượng các chất ô nhiễm rất cao đang xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Trên lưu vực sông Đồng Nai có hàng trăm khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất đang hoạt động. Hàng ngày, các nhà máy thải hàng triệu mét khối nước thải ra sông, chiếm đến 57,2% trong tổng lượng nước thải ra sông Đồng Nai. Theo phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, nguồn thải tại hệ thống thoát nước chung ra sông Đồng Nai do nhiều nhà máy không xử lý nước thải cục bộ, hoặc xử lý nhưng không đạt yêu cầu nên nguồn nước thải đổ ra sông có nhiều chỉ tiêu vượt mức cho phép nhiều lần, gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai.
Trong số nhiều KCN gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Đồng Nai như Phú Mỹ II, Cái Mép, Phú Mỹ III, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6, B1 Conac…, thì KCN Biên Hòa 1 là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong danh sách các nguồn gây ô nhiễm đối với sông Đồng Nai. Đây là KCN được xây dựng từ năm 1963, được tỉnh Đồng Nai tiếp nhận từ sau giải phóng. Tại KCN này, công nghệ và thiết bị, máy móc sản xuất đã lạc hậu, công tác xử lý nước thải chưa được cải tiến.
Trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng từ KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương di dời KCN này đến một địa điểm khác để "cứu" sông Đồng Nai. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc di dời KCN Biên Hòa 1 là một đòi hỏi bức thiết. Tỉnh không thể để tồn tại một KCN lạc hậu, hệ thống xả thải không đảm bảo đã gây ô nhiễm sông Đồng Nai nhiều năm như vậy. Hơn thế, sông Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Đồng Nai, Bình Dương và hai phần ba dân số TP HCM nên không thể để KCN này tồn tại và tiếp tục gây ô nhiễm.
Viết Tôn - An Châu
Kỳ 2: Cắt nguồn ô nhiễm