Xã Đức Xuân, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng có địa hình núi cao, thiếu đất nông nghiệp, điều kiện sản xuất khó khăn nên được tỉnh Cao Bằng lập dự án bố trí dân cư tại xóm Bốc Thượng B, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An. Tuy nhiên, do khảo sát, thiết kế dự án quá kém nên đến nay, dự án sắp hoàn thành mà vẫn chưa có hộ dân nào đăng ký chuyển đến ở dù chính quyền đã nhiều lần vận động, thuyết phục.
Dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn xóm Bốc Thượng B được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt tháng 8/2010, vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2010 - 2012. Mục tiêu của Dự án là bố trí đất ở cho 20 hộ dân sống tập trung thành 2 nhóm. Điểm bố trí dân cư phải tương đối thuận lợi, là nơi có đủ điều kiện đất đai để sản xuất, có nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, có đủ không gian để phát triển và các công trình công cộng như nhà trẻ, lớp học, nhà văn hóa..., được bố trí khoa học, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Giao thông trong khu dân cư phải được bố trí thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân và được nối với đường giao thông liên vùng.
Thế nhưng, thực tế, địa điểm được chọn làm khu tái định cư lại quá tệ. Anh Đặng Văn Thắng, 35 tuổi, người dân sống gần khu vực dự kiến bố trí dân cư, cho biết: “Đất đai ở đây cằn cỗi lắm. Tôi tìm mãi cũng chỉ chọn được một khe đồi nhỏ, khai phá được 1.000 m2 đất ruộng, không làm rẫy được. Trên diện tích nhỏ hẹp ấy, gia đình tôi cố gắng cày cấy nhưng cũng không đủ ăn. Thế mà không hiểu sao, người ta (chính quyền - PV) lại chọn đỉnh đồi ấy để làm nơi tái định cư. Định cư chỗ ấy thì người dân biết trồng cây gì, nuôi con gì để sống?”.
Qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy khâu khảo sát, thiết kế dự án có nhiều điểm bất cập, thiếu khả thi. Dự án không có hệ thống điện sinh hoạt; địa hình độ dốc lớn, khu vực bố trí khu dân cư diện tích quá hẹp, chỉ bố trí được từ 3 - 5 hộ; nguồn nước thấp hơn khu dân cư, phải sử dụng máy bơm...
Việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào nghèo có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng, câu chuyện ở xã Bạch Đằng lại cho thấy những yếu kém trong khâu khảo sát thiết kế, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và tổ chức thực hiện của Ban Quản lý dự án. Người dân đặt câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai khi dự án thiếu tính khả dụng, tiền Nhà nước bị thất thoát?
Quốc Đạt