Ngày 10/12, dư luận thế giới đồng loạt lên án Mỹ vi phạm nhân quyền và đòi xét xử những đối tượng đã vi phạm luật quốc tế sau khi báo cáo của Thượng viện tiết lộ chương trình tra tấn tù nhân của Mỹ. Làn sóng chỉ trích đã bùng lên mạnh mẽ từ Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả những nước được xem là đồng minh thân cận của Washington. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) chỉ trích chương trình thẩm vấn của CIA tại Phủ Tổng thống, thủ đô Kabul ngày 10/12. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
LHQ tuyên bố chương trình tra tấn tù nhân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vi phạm luật quốc tế cấm tra tấn và các quyền cơ bản của con người. Trung Quốc và Iran, hai quốc gia thường xuyên bị Mỹ cáo buộc vi phạm nhân quyền, đã lên án hành vi tra tấn nói trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh phản đối các hành động tra tấn và kêu gọi Washington tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền. Gay gắt hơn, thủ lĩnh tinh thần Iran Ali Khamenei chỉ trích “Mỹ là điển hình của một chính thể chuyến chế chống lại loài người”, không chỉ trong các chương trình tra tấn tù nhân của CIA mà còn cả trong việc thực thi luật pháp trong nước.
Các đồng minh châu Âu thân cận của Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng tình trạng lạm dụng vũ lực nói trên là sự vi phạm trên diện rộng các giá trị tự do và dân chủ, đồng thời nhấn mạnh tình trạng này không được phép tái diễn.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Catherine Ray nhận định báo cáo của Thượng viện Mỹ đã làm nảy sinh các câu hỏi quan trọng về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính quyền Mỹ. Cựu Tổng thống Ba Lan, ông Aleksander Kwasniewski thừa nhận Warsava đã cho phép CIA mở một trại tù bí mật trên lãnh thổ Ba Lan song sau đó ông đã yêu cầu Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush chấm dứt sự hợp tác này.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Raad al-Hussein đòi Chỉnh phủ Mỹ truy tố các quan chức cấp cao CIA đã ra lệnh và thực hiện chương trình tra tấn. Quan chức này khẳng định Mỹ đã phê chuẩn Công ước LHQ về chống Tra tấn năm 1994 vì vậy phải có trách nhiệm tuân thủ công ước này. Nhiều tổ chức quyền con người đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama thực thi hành động pháp lý đối với các đối tượng trên.
Tuy nhiên, các nỗ lực đòi Mỹ thực thi công lý với các cá nhân liên quan chương trình tra tấn của CIA dường như không khả thi. Báo cáo của Thượng viện không đưa ra yêu cầu truy tố. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ không đảo ngược quyết định không truy tố.
Ngoài ra, việc Mỹ không tham gia Tòa Hình sự quốc tế và có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an khi xem xét để chuyển vụ việc tra tấn tù nhân lên tòa án là lợi thế để Washington ngăn cản các nỗ lực nhằm xét xử các cá nhân liên quan đến chương trình tra tấn của CIA tại các tòa án quốc tế. Cho đến nay, hành động pháp lý duy nhất chống lại các quan chức CIA là phán quyết của Italy đối với 26 công dân Mỹ, trong đó có nguyên chỉ huy CIA tại Rome (Italy) và các đồng sự, vì đã tiến hành bắt cóc một nghi can khủng bố Ai Cập.
Trong một động thái phản ứng báo cáo của Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát, ba cựu giám đốc CIA gồm George Tenet, Porter Goss và Michael Hayden chỉ trích báo cáo của Thượng viện là một toan tính chính trị của Đảng Dân chủ nhằm tấn công vào cơ quan được Đảng Cộng hòa ủng hộ.
Trước đó, CIA đã yêu cầu Thượng viện không nêu danh tính nhằm tránh nguy cơ các chính phủ nước ngoài có thể truy tìm các bằng chứng liên quan đến các cá nhân tham gia chương trình tra tấn của CIA.
TTXVN/Tin Tức