Đây là mô hình thuộc Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại xã Phúc Khoa từ năm 2018. Mặc dù vậy, trước đó, dưa hấu đã bén rễ ở mảnh đất này đã gần 10 năm, từ mô hình thử nghiệm trồng để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cây trồng mới có giá trị kinh tế cao nhưng do ban đầu thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, kiến thức thực tế dẫn đến có năm được thu hoạch, có năm lại mất trắng.
Gia đình bà Vàng Thị Sủi ở bản Nậm Bon 2, xã Phúc Khoa là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng dưa hấu và duy trì cho đến nay. Kể về những năm đầu tiên trồng dưa hấu, bà Sủi cho biết, năm đầu tiên trồng dưa theo mô hình được cán bộ chuyên môn thực hiện cầm tay chỉ việc. Sau khi mô hình kết thúc, kiến thức về dưa hấu cũng bị mai một, thay vào đó, mạnh ai nấy trồng.
Nhiều hộ dân tự mua giống dưa hấu tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ khác nhau trên địa bàn, nên khi cây dưa sinh trưởng phát triển, ra quả và thời điểm thu hoạch cũng khác nhau dẫn đến nhiều hộ thu hoạch dưa non, không tiêu thụ được.
“Nay thì khác rồi, các hộ tự tích lũy kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, lựa chọn cùng 1 loại giống và nhất là có sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hỗ trợ dự án, mô hình điểm. Nhờ đó, người trồng dưa hấu đã thuần thục với loại cây trồng này và đạt hiệu quả kinh tế cao”, bà Vàng Thị Sủi chia sẻ.
Bước vào vụ trồng dưa hấu năm 2019, tổ hợp gồm 9 hộ dân được lựa chọn đã tiếp tục áp dụng mô hình trồng dưa hấu che phủ nilon, thuộc dự án do JICA hỗ trợ. Dự án được triển khai từ năm 2018, hỗ trợ giống dưa hấu, nilon, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, với mục đích giúp nông dân trồng dưa tiếp cận phương thức canh tác, sản xuất đạt hiệu quả năng suất cao hơn.
Sau khi triển khai được 2 năm, nông dân nơi đây đã nhận thấy hiệu quả rõ rết từ mô hình như khả năng tích nước tốt, giảm thời gian, công sức chăm sóc, làm cỏ, giảm chi phí và hạn chế sâu bệnh. Các hộ tham gia tổ hợp được luân phiên để tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận với phương thức canh tác đạt hiệu quả này.
Chị Lò Thị Chương, Tổ trưởng tổ hợp của mô hình thuộc bản Nậm Bon 2, xã Phúc Khoa chia sẻ: “Tham gia chuyển đổi và trồng dưa hấu nhiều năm qua, nhưng khi trồng dưa hấu có che phủ nilon, tôi thấy hiệu quả cao hơn rất nhiều. Dưa phát triển, sinh trưởng đều, không có nhiều sâu bệnh, quả sai và khi thu hoạch chất lượng dưa ngọt, thơm hơn. Gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì và vận động nông dân trồng dưa hấu theo mô hình này để đạt được giá trị kinh tế cao”.
Vụ dưa hấu năm 2019, nông dân trong xã trồng 11,8 ha tập trung tại 3 bản Nậm Bon 1, 2 và Pắc Khoa. Quá trình cây dưa hấu phát triển, điều kiện thời tiết, khí hậu trên địa bàn khắc nghiệt, thiếu nước, một số hộ đã không cung ứng đủ nước để đảm bảo cây sinh trưởng dẫn đến cây dưa bị héo chết, giảm năng suất. Tuy nhiên đối với những hộ dân cung cấp đủ nước tưới và trồng theo mô hình che phủ nilon đã đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn. Điển hình như gia đình bà Dương Thị Dím, Lò Thị Nén, Lò Thị Xem, Vàng Văn Kí…
Theo tính toán chi phí của người dân với một nghìn mét vuông diện tích đất ruộng, trước đây trồng lúa một năm 2 vụ cũng chỉ cho thu hoạch gần 1 tấn thóc bán ra thị trường thu được 6 triệu đồng. Nhưng khi trồng dưa hấu và tính theo giá bán như năm nay 15 nghìn đồng/kg nông dân thu về hơn 20 triệu đồng/3 tháng trồng chăm sóc, cộng với cấy lúa vụ mùa. Như vậy trồng dưa hấu đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa và cây màu khác.
Tổng diện tích các hộ tham gia mô hình là 2.700 m2, tuy nhiên các hộ dân cũng đã tự nhân rộng mô hình nâng diện tích dưa hấu che phủ nilon lên hơn 5.000 m2. Cùng với đó, tham gia các đợt tham quan, học tập nhằm tăng năng suất cây trồng, chất lượng dưa hấu tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm dưa hấu cho nông dân.
Hiện nay nông dân trong xã Phúc Khoa đang khẩn trương thu hoạch dưa hấu, giá bán hiện tại là 15 nghìn đồng/kg, cao hơn so với năm trước từ 3 - 5 nghìn đồng/kg. Người tiêu dùng, thương lái trực tiếp đến vườn lựa chọn quả theo ý muốn. Tín hiệu vui từ vụ dưa hấu năm nay, nhất là mô hình dưa hấu che phủ nilon đã tiếp thêm động lực để nông dân xã Phúc Khoa tiếp tục nhân rộng và đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây dưa hấu.