Bà con Lý Trạch (huyện Bố Trạch) thu hoạch dưa. Ảnh: baoquangbinh.vn |
Giá thương lái thu mua quá thấp đã khiến không ít gia đình phải chịu lỗ 15-30 triệu đồng/ha dưa hấu. Tình trạng “được mùa, rớt giá” lại tiếp diễn và bài toán đầu ra cho sản phẩm của nhà nông vẫn khó có lời giải.
Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn của tỉnh Quảng Bình, với khoảng 1.300 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã như Phú Định, Hòa Trạch, Tây Trạch, Đại Trạch, Lý Trạch và Thị trấn Nông trường Việt Trung. Từ tháng Tư đến đầu tháng năm, người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện bước vào thu hoạch dưa chính vụ.
Vụ dưa năm nay, thị trấn Nông trường Việt Trung có 334 hộ trồng dưa với tổng diện tích diện tích 490 ha. Các giống dưa được trồng chủ yếu là Hắc mỹ nhân, Hoàn châu... thời gian trồng trong 3 tháng. Dưa được trồng tập trung nhiều ở tổ dân phố Quyết Thắng (135 ha), Xung Kích (95 ha)… Bước vào vụ thu hoạch dưa hấu năm nay, theo các hộ trồng dưa ở đây cho biết, nhà nào thu hoạch sớm bán được giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg và được thương lái săn đón, thu mua tận vườn, nhưng số hộ bán được giá như vậy là không nhiều. Giá dưa lại biến động theo từng ngày khiến người trồng hết sức hoang mang.
Gia đình anh Trần Thanh Bình ở tổ dân phố Xung Kích, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch cho biết, vụ dưa năm nay gia đình anh trồng gần 2 ha dưa, nhờ thời tiết cả vụ thuận lợi, giống dưa chất lượng nên đạt năng suất khá cao với gần 40 tấn; trong đó, 30 tấn dưa gia đình anh xuất bán sớm cho thương lái ngay tại vườn với giá 6.000 đồng/kg. Còn hơn 7 tấn dưa cào bán giá 2.000 đồng/kg.
“Năm ngoái, bình quân dưa hấu thu mua tại vườn từ 4.000-5.000/kg đồng thì nay chỉ từ 1.500-3.500 đồng/kg. Gần 2 ha dưa năm ngoái tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng, nhưng với vụ dưa này khó thu được con số như vậy. May mà gia đình bán được hết dưa chứ với tình trạng giá xuống mạnh như hiện nay, nhiều hộ ở đây phải bán với giá 2.000 đồng/kg, lỗ là chắc chắn”, anh Trần Thanh Bình nói.
Khác với gia đình anh Bình, bà Nguyễn Thị Minh ở tổ dân phố 1, thị trấn Nông trường Việt Trung không mấy thuận lợi. Hơn 3 ha dưa hấu của gia đình bà cho năng suất gần 40 tấn dưa và thời điểm này thương lái thu mua với giá 2.000 đồng/kg (thời điểm đầu vụ giá dưa lên tới 6.000 đồng/kg), gia đình bà chỉ thu về khoảng 80 triệu đồng. Trong khi đó, tổng chi phí đầu tư, chăm sóc cho cả vụ dưa lên tới gần 120 triệu. Vừa bốc những quả dưa cuối cùng của vườn nhà lên xe thương lái, bà Minh gạt mồ hôi buồn bã cho biết, năm nay dưa được mùa, nhưng giá xuống quá thấp, thương lái chẳng tới thu mua, nhà vườn phải “bán tống, bán tháo” mà thu cũng không đủ bù vốn.
Ông Nguyễn Đức Phong, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho hay, trên địa bàn có hơn 95% diện tích đã được thu hoạch, năng suất ước đạt trên 20 tấn/ha. Thị trường đầu ra của dưa hấu ở đây chủ yếu được thương lái thu mua xuất bán ra các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc, còn thị trường nội tỉnh rất ít. Đầu vụ, có một số hộ bán với giá khá cao từ 6.000 đến 6.200 đồng/kg, nhưng càng về cuối vụ, giá bán xuống quá thấp, chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg, khiến nông dân bị lỗ.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn khá nhiều dưa hấu được người dân địa phương tập kết thành những đống cao, chờ thương lái đến thu mua hoặc bán lẻ với giá rất thấp. Hiện tượng được mùa rớt giá lặp lại như một điệp khúc buồn, khiến nông dân "đắng lòng". Nguyên nhân chính là thị trường đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, nhất là còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, tình trạng trồng bộc phát, ồ ạt của các hộ dân; liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ; hình thức mẫu mã chưa được chú trọng đầu tư…
Để hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá” cho sản phẩm nông sản dưa hấu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông Trường Việt trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình Nguyễn Đức Phong cho rằng, cần phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. Người dân cũng nên dựa vào tình hình thực tế của địa phương để phát triển cây trồng phù hợp, tránh tình trạng trồng ồ ạt, tự do, thiếu quy hoạch sản xuất. Đồng thời, cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, thay đổi phương thức sản xuất; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại trên cơ sở tăng năng suất, giảm chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động liên doanh liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, đảm bảo uy tín và chất lượng cho hàng nông sản địa phương.