Mới đây, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, tăng cường đầu tư thiết bị tác nghiệp truyền thông cho cán bộ và chiến sĩ tại các đồn biên phòng giai đoạn 2013- 2015.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai (ảnh) đã trả lời phỏng vấn của báo Tin Tức về ý nghĩa của Chương trình cũng như quá trình phối hợp triển khai.
Thưa Thứ trưởng, ông có thể nói rõ hơn về chương trình hợp tác với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) trong việc triển khai một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo?
Vừa rồi, Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) có giao Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đưa thông tin về cơ sở ký kết hợp tác với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trích một phần kinh phí của Chương trình MTQG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (giai đoạn 2012- 2015) để hỗ trợ cho BĐBP một số trang thiết bị âm thanh, tạo điều kiện cho BĐBP truyền tải thông tin cho bà con nông dân ở các vùng biên giới. Đây là sự nối tiếp quan hệ hợp tác giữa Bộ Bưu chính Viễn thông với BĐBP, nay là Bộ TT-TT từ nhiều năm nay. Vì BĐBP là nơi đầu sóng ngọn gió và các chiến sỹ muốn hoàn thành nhiệm vụ, ngoài sự nỗ lực, trình độ chuyên môn thì hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị thông tin, tuyên truyền, liên lạc phục vụ việc chỉ đạo, điều hành là việc làm cần thiết.
Trong giai đoạn 2006-2010, Bộ TT-TT đã cùng với Bộ Quốc phòng ký Thông tư liên tịch trang bị các thiết bị điện thoại, Internet cho 400 đồn biên phòng, tùy vào điều kiện, vị trí của từng đồn mà có sự phân bổ, lắp đặt sao cho hợp lý. Bộ TT-TT đã giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tích cực hỗ trợ, cung cấp các công nghệ kỹ thuật hiện đại với nguồn vốn được hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình máy tính cho cuộc sống (PC for life) do Bộ TT-TT phát động, hàng nghìn máy tính đã được Chương trình cung cấp cho các tỉnh khó khăn trong đó có các đồn biên phòng.
Ngay từ khi xây dựng Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở theo Quyết định 1212/QĐ-TTg (giai đoạn 2012- 2015) do Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng phần hỗ trợ thiết bị tác nghiệp truyền thông cho đồn biên phòng, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng có các phương tiện tác nghiệp để đưa thông tin chính thống tới bà con ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa nơi biên giới.
Căn cứ vào khả năng nguồn vốn, hàng năm chúng tôi sẽ cung cấp hệ thống thông tin, tuyên truyền lưu động cho khoảng từ 10 - 15 đồn biên phòng.
“Việc truyền tải thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới bà con vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới hải đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết. Do đặc thù về tình hình địa lý, bà con không chỉ gặp khó khăn về đời sống kinh tế mà còn thiếu thốn cả về thông tin. Nếu như để bà con nghe các thông tin thất thiệt khác sẽ rất nguy hiểm, gây bất ổn kinh tế, chính trị”, Thứ trưởng Bộ TT-TT , Trần Đức Lai nói. |
Theo Chương trình hợp tác được ký kết, trách nhiệm của Bộ TT-TT và của Bộ Tư lệnh BĐBP thế nào, thưa Thứ trưởng?
Mục đích của Chương trình hợp tác là: Đầu tư thiết bị tác nghiệp truyền thông phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho một số đồn biên phòng để cán bộ, chiến sỹ BĐBP sử dụng làm phương tiện thông tin tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đồng bào miền núi khu vực biên giới, hải đảo; trang bị đúng đối tượng, sử dụng đạt hiệu quả, yêu cầu của công tác tuyên truyền.
Về trách nhiệm của Bộ TT-TT mà cụ thể là Ban quản lý Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở, chúng tôi phải xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hợp lý và hiệu quả; căn cứ vào tổng số vốn mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Chương trình. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi đang lo ngại là nguồn vốn quá ít ỏi. Tổng số vốn để thực hiện cho cả Chương trình MTQG giai đoạn 2012- 2015 là 1.170 tỷ đồng nhưng phải thực hiện cho 54 tỉnh trên toàn quốc, và thực chất do ngân sách Nhà nước khó khăn nên chỉ cấp có 100 tỷ đồng/năm (trong đó một nửa là vốn đầu tư, một nửa là vốn sự nghiệp).
Xây dựng cấu hình thiết bị cần đầu tư; tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị, chọn những loại có cấu hình gọn nhẹ, bền, tính cơ động cao; phối hợp với Bộ Tư lệnh để phân bổ và xác định điểm biên phòng nào làm trước, điểm nào làm sau, ưu tiên những đồn ở vùng sâu, vùng xa.
Phía BĐBP có trách nhiệm cử các cán bộ nắm được kỹ thuật để Bộ TT-TT sẽ tiến hành đào tạo vận hành khai thác hệ thống; chỉ đạo định hướng về nội dung tuyên truyền hàng năm cho các đồn biên phòng được đầu tư; tiếp nhận, quản lý tài sản theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, Bộ TT-TT sẽ cung cấp thêm một số băng video, sách tóm tắt nội dung để cán bộ chiến sỹ làm phát thanh viên, truyền tải cho bà con.
Báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Thủy tỉnh Hà Giang.Ảnh: Viết tôn |
Mới đây, Chính phủ giao Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành khảo sát, đánh giá để có giải pháp lồng ghép, triển khai việc hỗ trợ radio cho đồng bào ở các vùng khó khăn trong Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xin Thứ trưởng cho biết, việc thực hiện nội dung trên sẽ được tiến hành ra sao?
Việc đầu tư, cung cấp hệ thống máy thu thanh (radio) cho bà con vùng sâu, vùng xa nhằm giúp bà con kết nối thông tin, nghe tin tức chính thống của Đảng và Nhà nước đã được Chính phủ đồng ý cho triển khai từ trước năm 2000. Theo tôi, đây là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên rút kinh nghiệm quá trình triển khai giai đoạn này thấy còn nhiều vấn đề bất cập và tính hiệu quả chưa cao. Ban đầu, chúng ta cung cấp thiết bị khá ổn nhưng quan trọng là bà con, nông dân có nghe và tiếp tục sử dụng radio hay không? Thậm chí có nhiều trường hợp bà con còn bán thiết bị radio.
Mới đây, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành khảo sát, đánh giá để có giải pháp lồng ghép, triển khai việc hỗ trợ radio cho đồng bào ở các vùng khó khăn trong Chương trình MTQG giai đoạn 2012- 2015. Sau khi có văn bản của Chính phủ, Bộ TT-TT đã giao các đơn vị chức năng xem xét, nghiên cứu, khảo sát và sẽ họp với các bộ, ngành liên quan, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2013. .
Thứ trưởng có thể đánh giá về Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012- 2015 đang được thực hiện ra sao?
Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 3 Dự án quan trọng là: Dự án 1-Đào tạo cán bộ truyền thông cơ sở (gồm cán bộ tuyên truyền và quản lý trạm truyền thanh cấp xã); Dự án 2-Hỗ trợ đầu tư hoặc nâng cấp các hệ thống truyền thanh cơ sở; Dự án 3-Tăng cường các nội dung thông tin để đưa về cơ sở phù hợp các điều kiện, đặc điểm tình hình của từng vùng miền (có quan tâm tới việc xây dựng các chương trình nội dung tiếng dân tộc), nội dung thông tin được “đặt hàng” trên Trung ương rồi giao tới các đài của tỉnh, xã để phát lại.
Vừa qua, Chương trình giám sát của Quốc hội, đã kiểm tra, giám sát 3 năm thực hiện Chương trình tại cơ sở. Kết quả cho thấy mọi việc diễn ra khá tốt, cơ bản đạt được mục tiêu của Chương trình được phê duyệt. Cán bộ truyền thông cơ sở đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản nắm tốt kỹ thuật vận hành thiết bị; Trạm truyền thanh xã được đặt tại Trung tâm xã với 10 cụm loa, công nghệ bằng vô tuyến hiện đại, tần số được cấp phép, dải tần này dùng cho phát thanh không thu tiền. Tại đây, họ kéo từng cụm loa tới tận thôn, có nơi kéo dài tới 5 km, tùy từng địa hình. Hàng ngày, xã cũng có thời lượng riêng để tiếp âm sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, đài của tỉnh để bà con có thể nghe chương trình thời sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, hội làng…
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi băn khoăn hiện nay là nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình MTQG còn quá yếu, cụ thể là: Cán bộ truyền thanh cấp xã không phải là chức danh chính thức trong công chức xã, là cán bộ kiêm nhiệm nên tính ổn định không cao, chế độ đãi ngộ thấp; sự phối hợp giữa các bộ phận chức năng của xã để cung cấp thông tin cho cán bộ thông tin cơ sở của xã mình để truyền tải thông tin một cách toàn diện, đầy đủ và kịp thời tới bà con chưa được chú ý đúng mức; nguồn vốn của Chương trình quá hạn hẹp, sau 3 năm thực hiện, vốn được cấp chỉ đạt 19% so với tổng số vốn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho cả Chương trình.
Trước tình hình này, chúng tôi đã kêu gọi và tìm cách huy động mọi nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ từ phía các doanh nghiêp, địa phương. Nhưng cũng thật khó bởi trong tình hình hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, những địa phương, huyện, xã được hưởng Chương trình MTQG thường là những địa phương rất nghèo, rất khó khăn nên không thể có khả năng bố trí nguồn lực để “chung vai” cùng triển khai Chương trình được.
Khánh Phương(thực hiện)