Đây là thỏa thuận toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á.
Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và 28 nước thành viên EU phê duyệt. Hiện vẫn chưa rõ liệu EP có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019 hay không.
Thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, dù một số sẽ theo thời gian và lộ trình cụ thể, và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch. Ví dụ, Việt Nam sẽ miễn thuế (hiện đang là 78%) đối với xe ô tô nhập khẩu từ EU trong 10 năm tới, miễn thuế (hiện là 50%) đối với rượu vang trong 7 năm. Các công ty EU cũng sẽ có thể được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU, như rượu sâm panh hoặc pho mát Parmigiano Reggiano. Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép.
Thỏa thuận trên cũng sẽ bao gồm một chương về phát triển bền vững, như thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người lao động và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.