Với tựa đề “Việt Nam và EAEU tự do hoá thương mại”, chuyên trang kinh tế của tờ Pravda.ru (Sự thật) ngày 2/6 có bài phân tích về các lợi ích kinh tế đối với các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU, gồm Nga, Kazakhstan, Belarus, Armeni, Kyrgyzstan) và Việt Nam sau khi ký Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EAEU tại Kazakhstan ngày 29/5 vừa qua.
Ảnh chụp màn hình bài báo. |
Phóng viên TTXVN tại LB Nga trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này:
Ngày 29/5 vừa qua, EAEU và Việt Nam đã ký tại Kazakhstan Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do (FTA). Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày được quốc hội các nước thành viên EAEU và Việt Nam phê chuẩn. Theo nội dung văn kiện đã ký kết, trong vòng 10 năm tới các bên sẽ miễn thuế đối với gần 90% các loại hàng hoá trao đổi thương mại.
Ông Victor Khristenko, Chủ tịch Uỷ ban kinh tế của EAEU (tương đương Bộ trưởng kinh tế của EAEU) nhấn mạnh đây là văn kiện có tính lịch sử, bao gồm không chỉ các chế độ ưu đãi thuế quan, mà còn cả vấn đề quản lý quyền sở hữu trí tuệ và một loạt các phương hướng khác. Việc thực thi thoả thuận này nhằm đưa trao đổi thương mại giữa các nước thành viên EAEU với Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 4 tỷ USD lên ít nhất 10 tỷ USD đến năm 2020.
Theo số liệu của Cơ quan hải quan Nga, năm 2014 kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam đạt 3,74 tỷ USD. Trong đó Nga xuất khẩu 1,45 tỷ USD (tương đương 39% tổng trao đổi ngoại thương song phương), Việt Nam xuất khẩu 2,29 tỷ USD (tương đương 61%).
Như vậy, Nga chiếm phần lớn trao đổi thương mại của EAEU với Việt Nam. Đối với LB Nga (thậm chí là qua EAEU), đây là khu vực thương mại tự do đầu tiên ngoài Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) mà Nga ký kết. Do vậy cần xem xét việc ký kết hiệp định này từ chính góc độ lợi ích kinh tế.
Năm 2015 do gặp một số khó khăn liên quan đồng ruble mất giá, kim ngạch thương mại Nga-Việt có chiều hướng giảm nhẹ. Trong quý I/2015 chỉ số này đạt 666 triệu USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn nhất đã đi qua, khi đồng ruble trong những tháng gần đây có sự phục hồi vững chắc và nền kinh té Nga bắt đầu có những dấu hiệu khôi phục. Vì vậy, mặc dù có sự giảm nhẹ ở quý I, song nhìn chung kết quả cả năm 2015 sẽ chỉ thấp hơn không đáng kể so với năm 2014.
Mặc dù kết quả 4 tháng đầu năm 2015 cho thấy kim ngạch thương mại Nga với Việt Nam chỉ chiếm 0,5% tổng ngoại thương của Nga và Việt Nam cũng chưa nằm trong danh sách đối tác thương mại hàng đầu của Nga, song mục tiêu đến năm 2020 đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD là hoàn toàn hiện hữu.
Nếu căn cứ vào số liệu thống kê ngoại thương của Nga trong năm 2014 thì 10 tỷ USD chỉ tương đương 1,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga, nghĩa là một con số không quá sức. Trong khi đó nếu đưa được kim ngạch lên mức này thì Việt Nam sẽ đứng ngang hàng với các đối tác thương mại rất gần gũi về địa lý với Nga như Hungary, Latvia, Phần Lan, Séc…
Ở đây có một câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam và Nga có đạt được mục tiêu đưa kim ngạch ngoại thương lên 10 tỷ USD hay không? Như chúng ta đã thấy, cả các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam lẫn LB Nga đều thể hiện mong muốn thúc đẩy việc này.
Tháng 9/2014 tại buổi tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh nỗ lực đưa kim ngạch ngoại thương lên 10 tỷ USD. Tháng 11 cùng năm, tại cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Sochi, Tổng thống Putin một lần nữa nêu lại sự cần thiết trong thời gian gần nhất nâng trao đổi ngoại thương song phương lên mức nói trên. Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã đặt ra định hướng đạt được chỉ số này trong quan hệ thương mại với LB Nga.
Chìa khoá trả lời câu hỏi nằm chính trong cấu trúc cán cân thương mại giữa hai nước. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, cấu trúc ngoại thương Việt Nam với LB Nga 10 tháng đầu năm 2014 (tức trước khi đồng ruble Nga mất giá) như sau: Nga xuất khẩu vào Việt Nam dầu và các sản phẩm dầu mỏ (chiếm % tổng xuất khẩu của Nga vào Việt Nam), phân bón (17,1%), máy móc và thiết bị (6,9%), sản phẩm luyện kim (4,2%), các loại khoáng sản (4%). Trong khi đó Việt Nam xuất sang Nga điện thoại và các loại linh kiện điện tử (chiếm ,6% tổng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga), các sản phẩm dệt may (8,1%), cafe (7,5%), máy tính và linh phụ kiện kèm theo (5,5%).
Như vậy có thể thấy cấu trúc thương mại song phương có tính bổ khuyết cho nhau. Nga là nhà cung cấp các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh truyền thống như hoá dầu, phân bón, kim loại, máy móc và thiết bị. Trong khi Việt nam lại xuất khẩu chủ yếu là hàng gia dụng như điện tử, các sản phẩm dệt may, nông sản và hải sản.
Việc nền kinh tế Nga chuyển sang giai đoạn phục hồi, khả năng mua sắm của người dân tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng các loại hàng gia dụng cũng như nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cùng với sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Nga vào Việt Nam. Trong điều kiện biểu thuế đối với hầu hết các loại mặt hàng được đưa về mức bằng không thì tất yếu sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh của hàng hoá hai nước trên thị trường của nhau.
Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo thông suốt hoạt động nhập khẩu phân bón, kim loại, xăng (nhà máy lọc dầu Dung Quất duy nhất ở Việt Nam cũng có sự tham gia của Nga) khiến Việt Nam đặc biệt quan tâm đến Nga.
Ngược lại, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chủ yếu hàng gia dụng cho LB Nga. Ở đây cần bổ sung thêm một yếu tố nữa là đối thoại chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp. Việt Nam là một trong các đối tác chính trị then chốt của Nga ở Đông Á. Điều này đã được ghi nhận trong “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa Moskva và Hà Nội. Nghĩa là giữa hai bên sẽ không thể có sự phức tạp chính trị (như Nga đang gặp phải với Brussels hoặc Washington).
Việc củng cố vị thế ở Việt Nam còn giúp cho các công ty Nga chiếm lĩnh và giữ thị phần ở các quốc gia khác trong khu vực. Phát biểu tại lễ ký Hiệp định, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với vai trò thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam sẽ làm hết sức để EAEU mở rộng hợp tác với ASEAN, một thị trường lớn, thống nhất và phát triển hết sức năng động.
Việc thành lập FTA Việt Nam-EAEU, trong đó có việc thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ cho phép LB Nga tham gia thị trường Đông Nam Á không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn đầu tư. Trong khi đó đây là thị trường với 625 triệu dân, GDP tương đương 2,4 nghìn tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại với thế giới năm 2014 là 2,51 nghìn tỷ USD.