Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), khai mạc tại Los Cabos (Mêhicô) ngày 19/6, được xem là diễn đàn để các nhà lãnh đạo đưa ra những giải pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không nên quá kỳ vọng về một kết quả khả quan của hội nghị lần này, sau những thất bại ở Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi năm ngoái tại Pháp.
Các nhà lãnh đạo G20 liệu có tìm ra phương thuốc cứu chữa căn bệnh nợ công châu Âu? Ảnh Yonhap.
|
G20 đang phải đối mặt với một sự thật đáng thất vọng là sau 4 năm vật lộn với khủng hoảng, hàng nghìn tỷ USD của các nước được đổ vào hệ thống ngân hàng, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng và tốc độ phục hồi vẫn rất mong manh.
Về giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, giới phân tích không mấy lạc quan về khả năng lãnh đạo các nước có thể tìm được tiếng nói đồng thuận. Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của Eurozone hiện bị chia rẽ thành hai thái cực, với một bên là Đức kiên quyết theo đuổi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và một bên là Pháp chủ trương tìm kiếm các giải pháp song hành giữa siết chặt chi tiêu và kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng.
Báo “Người Ôxtrâylia” số ra ngày 18/6 cho rằng, các nhà lãnh đạo G20 - những nền kinh tế chiếm tới 90% kinh tế toàn cầu - phải chuẩn bị hợp tác trong một kế hoạch hành động toàn cầu vững chắc nhằm giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu. Họ phải thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm để chính các nước Eurozone không còn nghi ngờ tính cấp thiết của việc phải hành động. Tờ báo khẳng định, tất cả lãnh đạo G20 cần đoàn kết trong các bước xốc lại kinh tế toàn cầu, gây áp lực buộc lãnh đạo các nước khu vực đồng euro lập tức ngưng thái độ chần chừ để hành động dứt khoát.
“Người Ôxtrâylia” bình luận: Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard Gillard và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak cho rằng cả thế giới trông đợi hội nghị G20 giải cứu châu Âu. Họ nói đúng bởi cho tới nay, G20 - với tư cách là nhóm kinh tế tiên tiến nhất thế giới - vẫn chưa mất đi vị thế và khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong Eurozone. Nhưng tại Los Cabos, để chứng minh ảnh hưởng quyền lực thực thụ, các nhà lãnh đạo G20 cần đưa ra các giải pháp to lớn hơn những gì họ đã làm ở hội nghị G20 năm ngoái.
G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ tại châu Á và được coi là diễn đàn liên kết các nền kinh tế phát triển và mới nổi để đối phó với các thảm họa kinh tế toàn cầu. Thể chế này đã nhanh chóng trở thành cơ quan hoạch định chính sách toàn cầu số một sau “cơn bão” tài chính năm 2008. Tuy nhiên, tính tập thể của G20 đã bị chương trình nghị sự đối nội của mỗi quốc gia thành viên chi phối đáng kể.
H.H (Tổng hợp)