Gia Lai: Giảm ô nhiễm môi trường nhờ thay đổi tập quán chăn nuôi

Để thay đổi nếp nghĩ, tập tục chăn nuôi gia súc lạc hậu còn tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn, chính quyền xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã thông qua Nghị quyết chuyên đề “Vận động nhân dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, cách xa nơi người ở”.

Cán bộ xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) kiểm tra chuồng bò mới được di dời của gia đình ông Nay Eo ở thôn Rbai B. Ảnh: baogialai.com.vn

Sau hơn 1 năm triển khai quyết liệt thông qua giải pháp tuyên truyền, vận động, đến thời điểm này đã có 321/450 hộ dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, tự giác di dời chuồng, trại gia súc dưới gầm sàn nhà ra xa nơi ở. Việc làm này của đồng bào không chỉ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, phòng chống dịch bệnh mà còn chung tay cùng chính quyền địa phương tiến tới hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Năm 2017, gia đình chị Siu H’Ti là một trong những hộ tiên phong ở làng Plei Ksing C, xã Ia Piar chủ động làm chuồng trại mới cách xa nơi ở để nuôi nhốt đàn trâu, bò của gia đình. Không còn phải sống chung với mùi hôi thối từ phân gia súc, những căn bệnh mà gia đình chị Siu H’Ti thường gặp phải về đường hô hấp, đường ruột, chứng đau đầu… cũng đã giảm hẳn.

“Trước đây gia đình mình nuôi gia súc dưới sàn nhà nên hôi lắm, giờ đã chuyển chuồng ra xa hết hôi rồi, cuộc sống thấy thoải mái hơn”, chị Siu H’Ti chia sẻ.

Tập quán và thói quen lạc hậu trong chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đã trực tiếp gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp phát sinh và làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm về đường ruột, bệnh đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp...

Để Nghị quyết chuyên đề “Vận động nhân dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, cách xa nơi người ở” thực sự phát huy hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền xã Ia Piar thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với thôn trưởng, già làng (những người có uy tín trong cộng đồng) thuyết phục, vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, dần làm thay đổi thói quen sinh hoạt hướng đến một cuộc sống trong lành hơn.

Ông Siu Thiên - Chủ tịch UBND xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cho biết: Để làm thay đổi tập tục lạc hậu đã ăn sâu bao đời nay trong cộng đồng dân tộc thiểu số, cần phải kiên trì bám sát dân để vận động, tuyên truyền.

Thời gian tới, cả hệ thống chính trị của xã tiếp tục vào cuộc vận động 129 hộ dân còn lại tiếp tục thực hiện việc di dời việc nuôi nhốt gia súc ra xa nơi ở. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, địa phương sẽ đứng ra tín chấp cho bà con vay vốn ưu đãi để xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường sống, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò
Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò

Với thuận lợi về điều kiện tự nhiên cùng kinh nghiệm lâu năm, người dân vùng cao Na Hang, Tuyên Quang không chỉ thoát nghèo từ nuôi trâu mà còn góp phần gây dựng thương hiệu cho đàn trâu nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN