Ngân hàng sẵn sàng giải ngân, lãi suất đã ưu đãi, nhưng để chương trình tái canh thành công rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan. Từ khi chuẩn bị tái canh cho đến khi thu hoạch cà phê mất khoảng 6 năm, trong đó có 4 năm trồng, chăm sóc và 2 năm nghỉ đất. Chính vì vậy, để tái canh được cây cà phê, nguồn vốn thực sự ưu đãi là vấn đề tiên quyết.Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Nguồn vốn cần thiết cho tái canh cà phêViệc tái canh một cây cà phê phải đòi hỏi 3 - 5 năm sau mới có thể cho thu hoạch. Nếu chúng ta không làm ngay từ hôm nay thì sản lượng đạt cà phê của chúng ta chỉ sau 3 - 5 năm nữa sẽ không đảm bảo. Do vậy, ngành ngân hàng đã dành một gói 12.000 tỷ đồng cho việc tái canh cây cà phê, riêng tỉnh Lâm Đồng là 2.000 tỷ đồng.
Trong thời gian qua với vai trò chủ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương của 5 tỉnh Tây Nguyên đang triển khai nhiệm vụ này. Tuy nhiên để tái canh cây cà phê thì vốn chỉ là một yếu tố. Còn vấn đề giống, quy hoạch vùng cà phê cũng rất quan trọng, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các địa phương, các cấp, các ngành để làm sao có quy hoạch, có giống đúng để trên cơ sở đó các tỉnh Tây Nguyên tái canh cây cà phê.
Ông Trần Văn Thành, ở xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk): Chủ yếu vẫn xuất khẩu thôHiện các mặt hàng nông sản của Việt Nam đa phần xuất khẩu thô, trong đó có cả cà phê nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Ngay tại Đắk Lắk, qua theo dõi các bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Đài Tiếng nói Việt Nam chúng tôi được biết: Gần 90% sản lượng cà phê nhân của Đắk Lắk đều xuất khẩu thô, giá trị kinh tế thấp nên đời sống của những hộ sản xuất cà phê còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trong thời gian tới, rất mong tỉnh Đắk Lắk sớm có chủ trương chuyển đổi, nhất là chuyển hướng đầu tư nâng cao sản lượng cà phê chế biến sâu như cà phê rang xay, cà phê bột, cà phê hòa tan để góp phần nâng cao đời sống của những người sản xuất cà phê…
Ông Hà Hoài An, Phó GĐ Ngân hàng Agribank Chi nhánh Đắk Lắk: Tìm cách giải ngân Từ tháng 4/2013 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk đã triển khai tái canh cây cà phê. Các nông trường cà phê đã triển khai nhưng cái khó là nhu cầu vay vốn của các hộ nông dân chưa xuất hiện nhiều, người dân còn e dè trong việc vay vốn tái canh cây cà phê. Việc tái canh cây cà phê là chủ trương đúng nhưng khi giải ngân cũng đã gặp những vướng mắc: Người dân đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp giống tốt để họ tổ chức cái canh. Về lãi suất ngân hàng, người dân mong muốn được vay với lãi suất thấp.
Ngành ngân hàng đã dành gần 12.000 tỷ đồng và đang giải ngân cho chương trình tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, chính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị đầu mối của chương trình cho vay này cũng đang loay hoay để tìm cách giải ngân hiệu quả.
Ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Buk, huyện Krông Pak, Đắk Lắk: Người dân chưa tiếp cận được thông tinNhiều hộ dân cho rằng tái canh cây cà phê còn nhiều khó khăn là do nông dân trồng cà phê chưa tiếp cận được thông tin, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết trong canh tác. Việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật về với nông dân, hoạt động khuyến nông trong tái canh cà phê chưa đạt được như mong muốn... Được biết, nhu cầu của người dân rất lớn, ví như năm 2013 nhu cầu của người dân Krông Buk cần 6,8 tỷ đồng để tái canh cây cà phê nhưng nguồn vốn không đáp ứng đủ. Nếu ngân hàng đáp ứng đủ vốn thì nhân dân sẽ tổ chức tái canh cây cà phê đạt hiệu quả hơn.
Ông Y Nhài Niê, buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk): Người sản xuất cà phê gặp nhiều bất lợiHiện nay, người sản xuất cà phê gặp nhiều bất lợi, lãi suất không cao so với những năm trước đây. Cụ thể, gia đình tôi có 2 ha cà phê kinh doanh, mỗi niên vụ thu hoạch bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha, với giá cà phê 40.000 đồng/kg vẫn có lãi, nhưng không nhiều (khoảng 50%) vì giá đầu vào như công lao động, tưới, thu hái, chăm sóc, bón phân, làm cỏ, thuốc trừ sâu… đều tăng. Trong khi đó, mua một kg cà phê bột giá lên đến 150.000 - 170.000 đồng, đây là điều bất hợp lý.
Ông Phan Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Việt Đức: Diện tích lớn cà phê già cỗi cần tái canh Hiện nay, Tây Nguyên là vùng có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với trên 622.000 ha, trong đó 570.000 ha đang trong thời gian kinh doanh. Trong 5 - 10 năm tới, diện tích cà phê già, cằn cỗi cần thay thế và chuyển đổi khoảng 140.000 - 160.000 ha. Hiện chương trình tái canh cây cà phê đang được hưởng lãi suất cho vay thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường 2%/năm.
Công ty cà phê Việt Đức có diện tích cà phê được trồng chủ yếu những năm 1980 - 1990 nên diện tích cần tái canh trong lộ trình từ nay đến năm 2018 chiếm khoảng 80% diện tích. Trong giai đoạn từ 2008 - 2014, Công ty cà phê Việt Đức đã tái canh khoảng 150 ha, giai đoạn 2015 - 2017 chúng tôi tiếp tục tái canh khoảng 100 ha nữa. Để có đủ nguồn vốn phục vụ công tác tái canh cây cà phê, chúng tôi đã ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp vay 80 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2017.
Từ khi chuẩn bị tái canh đến khi có thu hoạch ổn định phải mất 6 năm, trong đó có 4 năm trồng và chăm sóc, 2 năm nghỉ đất. Đây là thời gian doanh nghiệp rất khó khăn và trăn trở. Trong quá trình này, người trồng cà phê có thể trồng thêm hoa màu, làm thêm nghề phụ chờ đến khi cây cà phê được thu hoạch trở lại, nên chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về chế độ bảo hiểm hay những hỗ trợ khác cho người lao động.
Ông Y Nia, buôn Pan B xã Krông Buk huyện Krông Pak, Đắk Lắk: Đời sống người trồng cà phê từng bước được cải thiệnGia đình tôi có nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê khoảng 150 triệu đồng cộng với nguồn vốn của gia đình để đầu tư phát triển bền vững cây cà phê góp phần đưa năng suất cao hơn. Bởi vườn ca phê của gia đình đã già cỗi, trồng từ 1975 đến nay, năng suất thấp. Bà con rất phấn khởi khi Đảng và Nhà nước có chương trình cho bà con nông dân vay vốn tái trồng cây cà phê, nhờ đó mà đời sống nhân dân ở các vùng trồng cà phê trong tỉnh đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, số hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng từ nguồn xuất khẩu cà phê như điện, đường, trường, trạm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống cho đồng bào, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện rõ.
Thùy Ngân - Viết Tôn - Quang Huy