Giải quyết tình trạng thiếu hụt vắcxin dịch vụ

Thiếu vắcxin tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thời gian gần đây đã trở thành nỗi lo của nhiều người dân khi không thể chủ động lịch tiêm phòng được cho con để phòng bệnh, nhất là tâm lý hoang mang mỗi khi mùa dịch bệnh tới.

Vấn đề này đã được thảo luận trong hội thảo “Phối hợp công tư trong nâng cao tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng ở Việt Nam”, do Hội Y tế dự phòng Việt Nam tổ chức, ngày 10/6, tại Hà Nội.

Thiếu cung do cầu bấp bênh

Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, các trung tâm tiêm chủng dịch vụ luôn thông báo thiếu 2 loại vắcxin tổng hợp 5 trong 1 (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib) và 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib).

Tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


“Sau những tổn thất nặng nề vì dịch bệnh do không được tiêm chủng đầy đủ, nhiều người dân mới hốt hoảng cho trẻ đi tiêm và tiện nhất vẫn là tiêm vắcxin dịch vụ. Điều này đã tạo nên sự quá tải ở các cơ sở tiêm dịch vụ, quan trọng nhất là vắcxin nhập về không đủ cung ứng”, một chuyên gia chia sẻ.

Với vắcxin 6 in 1, nhu cầu sử dụng khoảng hơn 200.000 liều/năm, 5 in 1 là khoảng trên 100.000 liều/năm. So với 19 triệu trẻ em hiện nay thì số lượng đó không lớn, nhưng lại ảnh hưởng chung đến kết quả chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia, bởi nhiều gia đình vẫn kiên quyết chờ vắcxin dịch vụ.
Nguyên nhân sâu xa của việc thiếu vắcxin dịch vụ, theo ông Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam, là do nhu cầu của thị trường Việt Nam không ổn định, lại thêm tâm lý người dân cứ thấy dịch bệnh mới bắt đầu ồ ạt đi tiêm phòng, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo nguồn cung, cũng như đơn đặt hàng của các nhà phân phối vắcxin.

Ông Hiển cho biết, vắcxin là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Vì thế, chỉ khi các cơ sở tiêm vắcxin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và khi vắcxin về đến cơ sở tiêm dịch vụ, thông thường phải mất khoảng 3 tháng. Trong thời gian đó chắc chắn là không có đủ vắcxin để cung ứng cho các cơ sở. “Cũng bởi đã từng xảy ra trường hợp, có cơ sở đón đầu dịch thủy đậu, nhập hàng loạt vắcxin thủy đậu về nhưng dịch không xảy ra, lại chỉ còn nước bỏ đi”, ông Hiển chia sẻ.

Giải thích về tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Tường Vy, đại diện Công ty GlaxoSmithKline (GSK) tại Việt Nam, một trong những nhà phân phối và cung ứng vắcxin dịch vụ ở Việt Nam cho biết: “Hiện nay nhu cầu sử dụng vắcxin 6 in 1 đang gia tăng đột biến trên thế giới, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn hàng cho Việt Nam. Có rất nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang sử dụng vắcxin 6 in 1, nên sản lượng vắcxin sẽ không cung ứng kịp cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đối với GSK, chúng tôi buộc phải ưu tiên cung ứng cho các quốc gia đã có hợp đồng lâu năm và đặc biệt là các quốc gia chỉ sử dụng vắcxin đó là vắcxin duy nhất. Trong khi đó, Việt Nam đã có vắcxin 5 in 1 là vắcxin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) của nhà nước, nên không nằm trong diện ưu tiên đó”.

Cần tháo gỡ các rào cản

Trước tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra những đề xuất, để giải quyết tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng ở nước ta.

Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), phải tăng cường nhập khẩu vắcxin, đảm bảo đủ cung ứng. Cục Quản lý Dược đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm nhẹ các thủ tục nhập khẩu vắcxin. Cũng cần có sự phối hợp giữa Cục Quản lý Dược với Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học công nghệ để đáp ứng thật nhanh nhu cầu vắcxin. Tất nhiên, nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và an toàn của vắcxin.

Còn theo đại diện Cục Y tế dự phòng: Bộ Y tế đã có chỉ đạo triển khai tiêm các mũi trong chương trình TCMR ngay tại các cơ sở tiêm dịch vụ để giải quyết tình trạng thiếu vắcxin ở các cơ sở tiêm dịch vụ. Theo đại diện này, chất lượng của các loại vắcxin trong chương trình TCMR và tiêm dịch vụ đều đảm bảo như nhau. Việc ồ ạt chọn hình thức tiêm vắcxin dịch vụ cũng bởi tâm lý truyền tai nhau của người dân. Vì thế cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chất lượng các loại vắcxin diện TCMR và vắcxin dịch vụ, để từ đó có sự điều tiết hợp lý nguồn cung ứng vắcxin.

“Khoảng từ năm 2018 -2020, Việt Nam có thể sản xuất được vắcxin 5 in 1 và 6 in 1 để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây sẽ là nguồn cung hoàn toàn chủ động để giải quyết tình trạng cung ứng vắcxin và đảm bảo công tác phòng bệnh cho người dân”.

Ông Nguyễn Trần Hiển


Tạ Nguyên
'Vắc xin Tiêm chủng mở rộng là giải pháp căn cơ'
'Vắc xin Tiêm chủng mở rộng là giải pháp căn cơ'

Vì sao vắc xin dịch vụ khan hiếm gần 2 năm ròng? Đâu là giải pháp hữu hiệu có thể chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN