Giảm lợi nhuận để mong khách vay

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã đồng loạt tung ra các gói kích thích khách hàng vay với mức lãi suất ưu đãi. Thậm chí, có ngân hàng còn giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng như giúp lưu thông nguồn vốn.

 

Mới đây nhất, Ngân hàng HDBank triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi nhân dịp ngày 2/9. Theo đó, lãi suất vay cho khách hàng cá nhân thấp nhất chỉ 8,6%/năm và doanh nghiệp là 9%/năm. Tổng hạn mức cấp tín dụng hơn 2.000 tỷ đồng. Chương trình này sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2012.


Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã chính thức triển khai gói cho vay bất động sản và cho vay cá nhân kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Theo đó, từ 15/8 - 10/11/2012, khách hàng cá nhân vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà sẽ được hưởng lãi suất từ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu và vay phục vụ sản xuất - kinh doanh với lãi suất từ 11,5%/năm trong 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của thị trường. Hiện tại, lãi suất đang áp dụng là 14,99%/năm. Ngân hàng Phương Đông (OCB) không chỉ giảm lãi suất cho khách hàng tốt mà còn ưu đãi lãi suất cho những doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ…


Nếu như trước đây, doanh nghiệp luôn là người cầu cạnh ngân hàng để được vay vốn, thì hiện nay “gió đã đổi chiều”. Đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thừa nhận: Hiện là thời điểm ngân hàng đua nhau đưa ra các mức lãi suất cho vay thấp để lôi kéo doanh nghiệp vay vốn. Chính vì vậy, ngay cả những ngân hàng “cỡ bự” như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng không nằm ngoài cuộc đua tung ra các mức lãi suất hấp dẫn để mời khách hàng vay.
Theo Phòng Kinh doanh và Quản lý nguồn vốn (Vietcombank), nếu khách hàng tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất 6%/năm trong 6 tháng. “Chúng tôi xác định, thà cho vay theo kiểu giảm bớt lỗ còn hơn là huy động với lãi suất 9%/năm, rồi để vốn chết. Vấn đề khó nhất là tìm doanh nghiệp đáp ứng được chuẩn để cho vay”, cán bộ Vietcombank nói.


Trước đó, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thời gian qua, một số chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đã được Vietcombank tích cực triển khai. Năm 2012, Vietcombank đã tiến hành 2 đợt giảm lãi suất. Đợt 1 vào đầu tháng 4/2012, Vietcombank đã giảm khoảng 750 tỷ đồng tiền lãi phải thu. Đợt 2, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đưa lãi suất về 15%/năm, Vietcombank đã đưa ra nhiều gói tín dụng - sản phẩm chỉ ở mức 12 - 13%/năm, thậm chí có một số trường hợp là 10 - 11%/năm. Do vậy, lợi nhuận của cả hai đợt, Vietcombank giảm khoảng 1.550 tỷ đồng. Đây là một con số tương đối lớn, tuy nhiên việc tiết giảm này là cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Atul Malik - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) nói: “Chúng tôi đã giảm lãi suất cho 2 nhóm khách hàng: Nhóm thứ nhất là những khách hàng hiện đang kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt. Nhóm thứ hai là những khách hàng hiện đang gặp khó khăn tạm thời nhưng có mô hình kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt. Theo ông Atul Malik, trong ngắn hạn, lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng từ rủi ro lãi suất và giảm biên lợi nhuận. Tuy nhiên, trong trung hạn nếu kinh tế tăng trưởng bền vững thì các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì điều quan trọng là ngân hàng và doanh nghiệp phải hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.


Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tính đến hết tháng 8/2012, lạm phát của nước ta so với cùng kỳ là 5,054%; so với cuối năm 2011 là 2,86%. Như vậy, lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu nào của nguy cơ giảm phát như nhiều đồn đoán lo ngại. Ông Ánh cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2012 dưới một con số gần như sẽ đạt được, mà theo dự báo của ông, sẽ vào khoảng 8%.


Với diễn biến này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định trần lãi suất huy động có thể giảm thêm 1%/năm xuống còn 7%/năm. Khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay có thể dao động 13 - 14%/năm. Ông Ánh cũng lưu ý, việc điều chỉnh lãi suất huy động phải nên được thực hiện sớm, vào khoảng đầu quý IV năm nay. Bởi nếu không, thời điểm cuối năm, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng, như: giá cả tăng mạnh trước thời điểm Tết Nguyên đán; tín dụng bung ra mạnh để “chạy đua” thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm bù lại việc vốn gần như đóng băng suốt mấy tháng đầu năm. “Nếu lạm phát quay trở lại, khả năng giảm lãi suất sẽ rất khó”, ông Ánh e ngại.

 

Minh Phương

Nỗi lo tăng trưởng tín dụng thấp
Nỗi lo tăng trưởng tín dụng thấp

Theo một số chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng thấp của Việt Nam kéo dài từ đầu năm đến nay là phản ứng tự nhiên của nền kinh tế. Ngân hàng sau một thời gian tăng trưởng nóng, nay buộc phải hãm đà để giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu các khoản nợ;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN