Đầu những năm 2000, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) vẫn chưa tìm được hướng đi hiệu quả để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói. Giữa cảnh khó khăn ấy, Nghị quyết chuyên đề về phát triển "3 cây 1 con" của Đảng bộ huyện ra đời như một luồng gió mới thổi lên những cánh đồng khô hạn, mở ra một tương lai no ấm.
Những bản làng ở xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng đã thực sự thay da đổi thịt nhờ "Nghị quyết 3 cây 1 con". |
Địa lý huyện Hà Quảng phân thành hai vùng rõ rệt, vùng đồng và vùng cao. Vùng đồng có 7 xã, có thể trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, người dân lại không có nghề phụ hoặc cây trồng gì mang lại hiệu quả kinh tế. Còn ở 12 xã vùng cao (vùng Lục Khu), điều kiện sống khắc nghiệt gấp nhiều lần, người dân sống trên vùng núi đá, thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Trước thực tế ấy, ông Triệu Đình Lê, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng (nay là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng) nhận định: “Không có cách nào khác là phải trồng cây ngô, cây lạc nhưng phải có cách làm mới và đem bán lấy tiền mua gạo ăn, chứ không phải chỉ ăn ngô, ăn lạc; phải đẩy mạnh nuôi bò, nhưng không thả rông, không chỉ để cày kéo, mà phải trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng và bán lấy tiền mua gạo. Đối với vùng đồng bào có truyền thống trồng cây thuốc lá, cần đưa thuốc lá trở thành cây trồng chính”. Từ suy nghĩ ấy, Đại hội Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ XII, năm 2005 đã ra Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh sản xuất ngô, lạc, thuốc lá, chăn nuôi bò mà cán bộ vẫn gọi vui là “Nghị quyết 3 cây 1 con".
Nghị quyết đã có, nhưng làm thế nào để đưa được Nghị quyết vào cuộc sống, trong khi đội ngũ cán bộ của huyện chủ yếu là người cao tuổi, trình độ hạn chế? Chỉ có thay được đội ngũ cán bộ lớn tuổi, yếu về năng lực bằng đội ngũ tri thức trẻ thì mới đưa được nghị quyết của Đảng bộ vào cuộc sống. Nhưng lấy cán bộ ở đâu khi trình độ dân trí thấp cũng là vấn đề nan giải?
Ông Sầm Việt An, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng chia sẻ: “Nhận thấy những cán bộ biên phòng cắm bản luôn được dân tin yêu quý trọng và có năng lực lãnh đạo, chúng tôi đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cử cán bộ về giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của các xã và được ủng hộ. Cùng với đó, huyện đã chọn cử nhiều tri thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn; điều chuyển cán bộ từ các phòng, ban của huyện tăng cường cho vùng cao... Về biện pháp lâu dài, huyện liên hệ với Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh để mở lớp đào tạo cán bộ nguồn cho huyện. Nhờ đó, đến nay Hà Quảng đã chuẩn hóa, trẻ hóa được trên 90% cán bộ xã”.
Đội ngũ cán bộ xã trẻ, năng động, có trình độ, đã góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vào cuộc sống. Người dân Hà Quảng đã bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu sang sản xuất hàng hóa, làm kinh tế thị trường. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2005 chỉ đạt 12 triệu đồng/ha, đến nay đã tăng lên gần 30 triệu đồng/ha ở vùng cao; nhiều xã vùng đồng đạt 50 - 100 triệu đồng/ha. Sản phẩm nông nghiệp của huyện được thị trường ưu chuộng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, đến nay tất cả các xã vùng cao đều có đường nhựa, các xóm đều có bể nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Cái đói, cái nghèo đang lùi dần nhường chỗ cho ấm no, tiến bộ.
Nghị quyết “3 cây 1 con” đã chứng minh tính đúng đắn và tiếp tục được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII nhiệm kỳ 2010 - 2015 đẩy mạnh thực hiện, đồng thời bổ sung thêm 1 con và dịch vụ, thành “Nghị quyết 3 cây, 2 con + dịch vụ”, đó là nuôi thêm lợn đen và làm kinh tế dịch vụ cửa khẩu, dịch vụ du lịch. Sự bổ sung này đang mang lại những hiệu quả tốt khi doanh thu từ chăn nuôi lợn đen và thu ngân sách từ cửa khẩu Sóc Giang của huyện liên tục tăng mạnh những năm gần đây. Với những bước đi vững chắc ấy, “Nghị quyết 3 cây 2 con + dịch vụ” của Đảng bộ huyện Hà Quảng tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, góp phần đưa Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng tiến nhanh hơn nữa trên con đường đi đến ấm no thịnh vượng.