Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Vũ Văn Ninh: Tích hợp các chính sách để tránh chồng chéo, lãng phí
Thời gian qua, với những ưu tiên về mặt cơ chế chính sách và nguồn lực, vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn đã giảm nghèo nhanh hơn, vượt mức kế hoạch đề ra trong 5 năm qua là 4%. Điều đó chứng tỏ việc tập trung cho chính sách, cho chỉ đạo vùng đồng bào dân tộc đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đây là vùng hết sức khó khăn do cả khách quan và yếu tố lịch sử để lại, để người dân chuyển động, thay đổi tập quán tư duy phải từng bước, nên mặc dù giảm nghèo nhanh nhưng tỷ lệ nghèo vùng này vẫn còn cao.
Bộ Tài chính nên có hướng dẫn các địa phương khi phân bổ nguồn lực để huy động dân phải hết sức cân nhắc, với người nghèo dứt khoát không được huy động. Thậm chí, ở những vùng nghèo miền núi có khi phải phân bổ đủ, tránh tình trạng nhiều địa phương cố nhận phần phân bổ 50% kinh phí làm đường giao thông từ ngân sách, trong khi người dân gặp nhiều khó khăn, không có nguồn lực để huy động.
Ủy ban Dân tộc tổng hợp thêm một số chính sách lớn đã ban hành để rà soát, xem xét những điểm bất cập, sửa đổi những nội dung trùng lắp, tích hợp cho phù hợp, tránh chồng chéo, lãng phí. Chính sách đã có nhưng nguồn lực thực hiện còn đang thiếu, vì vậy, các chương trình, dự án cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương thức phân bổ vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, không phân bổ như những năm 2014 – 2015, thực hiện phân bổ cho các vùng nghèo tối thiểu gấp đôi các xã bình thường, dành nguồn lực cho vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Giàng Seo Phử: Vai trò địa phương trong tổ chức thực hiện
Chương trình 135 (CT135) đã được triển khai từ năm 1999, đến nay đã trải qua 3 giai đoạn lớn. CT135 cùng với các chương trình, chính sách khác đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư và hỗ trợ của CT135 và các chương trình khác đã góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi nói chung, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn nói riêng. Tuy nhiên việc thực hiện cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều xác định phải ưu tiên hỗ trợ, đầu tư đối với vùng dân tộc và miền núi nhưng trong quá trình triển khai và hiện thực hóa các chủ trương, chính sách đó chưa thể hiện rõ tính ưu tiên, đặc thù của vùng; tập quán và năng lực sản xuất của đồng bào chưa đáp ứng theo xu thế phát triển…
Song điều kiện tự nhiên của vùng núi, vùng sâu vùng xa rất khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đi lại gặp nhiều khó khăn… Trong khi đó, việc cân đối, bố trí vốn cho CT135 chưa đảm bảo theo các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt; vốn cấp không đầy đủ, thiếu kịp thời, phải điều chỉnh bổ sung nguồn lực, phải kéo dài thời gian thực hiện hoặc thực hiện dang dở, gây khó khăn cho địa phương… Quá trình xây dựng chính sách không xác định được nguồn vốn, các chính sách thực hiện theo nhiệm kỳ dẫn đến chính sách không đạt được mục tiêu đề ra, giảm hiệu quả của đầu tư.
Thời gian tới cần xây dựng các chương trình trung hạn 2016 - 2020 và chương trình dài hạn. Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cụ thể dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vậy nên cần có sự đồng thuận giữa các cơ quan, địa phương, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên ổn định cuộc sống và phát triển; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong đồng bào DTTS… Các địa phương có vai trò rất quan trọng trong trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình, dự án cho đồng bào các DTTS; tổ chức triển khai làm dứt điểm, kết thúc cuốn chiếu từng dự án cụ thể…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Văn Hiếu: Chính sách nhiều nhưng hiệu quả chưa cao
Tại “Hội thảo về trao đổi kinh nghiệm, đề xuất đổi mới chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi và vùng đặc biệt khó khăn được ban hành nhiều, nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa cao, còn chồng chéo, trùng lắp. Phương thức hỗ trợ giảm nghèo của một số chính sách còn chưa thật phù hợp nên nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo của người dân chưa cao, chưa huy động được nguồn lực tối đa từ các bên liên quan, từ nội lực của chính đồng bào dân tộc thiểu số, của vùng đặc biệt khó khăn nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên, nguồn gen động thực vật vô cùng phong phú và quý hiếm.
Các bài học thành công của một số mô hình giảm nghèo tại các vùng dân tộc và miền núi thuộc các dự án có yếu tố nước ngoài hỗ trợ. Các mô hình thành công cơ bản phải dựa trên các yếu tố có sự tham gia của cộng đồng, người dân trong việc lập và thực hiện kế hoạch. Việc tham gia của cộng đồng sẽ xác định rõ nhu cầu thực sự của người dân, huy động đóng góp về công sức, vật chất vào việc triển khai kế hoạch và đặc biệt nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân. Đối với việc hỗ trợ phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cần tập trung phát triển nông nghiệp dựa trên đặc điểm lợi thế của địa phương, xây dựng liên kết sản xuất tiêu thụ, khơi dậy được động lực của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Thanh Bình: Nên có sự phân cấp
Tuy có nhiều chính sách dân tộc được triển khai tại tỉnh nhưng chưa phù hợp với thực tế. Tỉnh mong muốn nên có sự phân cấp, một số chương trình, đề án nên giao cho tỉnh để triển khai sát thực tế; mức đầu tư chương trình 135 cho các xã biên giới là quá thấp, đề nghị tăng mức đầu tư hỗ trợ và kéo dài chương trình đến năm 2020. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh mức hỗ trợ chuộc đất, hỗ trợ đất ở di dân định cư vì quy định như hiện nay là chưa phù hợp, không đảm bảo cho các hộ định canh định cư. Cần có chính sách đặc biệt về thuế, tín dụng, chính sách đặc thù cho làng nghề… để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động dân tộc, góp phần thoát nghèo nhanh.
Đồng bào dân tộc Chăm, Khmer tỉnh An Giang sống quần cư trong các phum sóc nên khó huy động học sinh ra lớp. Vì vậy, An Giang mong muốn Trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh thành lập trường mẫu giáo tại các phum sóc, thành lập trường trung cấp nghề, mở trường phổ thông trung học nội trú dành riêng cho đồng bào dân tộc. Hiện nay nhiều chính sách Trung ương rót chậm kinh phí như hỗ trợ kinh phí học nghề, hỗ trợ cấp nước sinh hoạt, vốn vay phát triển sản xuất...