Người Pà Thẻn giữ lửa truyền thống
Pà Thẻn là dân tộc có dân số dưới 10.000 người, cư trú yếu trên địa bàn các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Quang Bình (Hà Giang). Người Pà Thẻn cho đến nay vẫn giữ được những lễ hội văn hóa độc đáo có một không hai, điển hình là lễ hội nhảy lửa, lễ kéo chày và các trò chơi dân gian… Trong lễ hội nhảy lửa, đồng bào Pà Thẻn, nhất là chị em phụ nữ đều rực rỡ như “đàn chim lửa” trong những bộ trang phục tuyền thống được đồng bào gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Người Pà Thẻn chỉ có duy nhất một loại trang phục nguyên gốc, được gìn giữ từ đời này sang đời khác, mẹ truyền dạy cho con gái, nên các chị em phụ nữ đều biết tự dệt vải, thêu thùa phục vụ nhu cầu của bản thân. Người Pà Thẻn quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng của dân tộc. Do đó, phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục, kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng để tạo nên bộ trang phục hài hòa với khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.
Chị Phù Thị Thiên, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang là nghệ nhân dệt thổ cẩm ở Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tân Bắc cho biết: Một bộ trang phục của chị em phụ nữ Pà Thẻn nếu làm khi nông nhàn cũng phải nửa năm mới xong một bộ. Đầu tiên là phải dệt vải, dệt hoa văn, mảnh ghép của váy, áo, khăn. Sau khi dệt xong, các chị em cắt từng mảnh ra ghép từng loại thành trang phục chứ không để liền mảnh. Hoa văn các mảnh khác nhau từ tay áo, thân ái cho đến lưng áo cũng khác. Với váy cũng tương tự, phải dệt, thêu xong mới cắt ra từng mảnh để ghép vào hoàn thiện...
Chị Phù Thị Thiên chia sẻ: Với trang phục nữ của người Pà Thẻn có thể phân biệt rõ nhất khi tham dự đám cưới bởi toàn bộ phụ nữ, thiếu nữ, cô dâu đều mặc váy đỏ, chỉ khác nhau ở khăn, mũ mà thôi. Người phụ nữ sẽ mặc áo đỏ, đeo khăn đen, mũ đội đầu có màu đen, còn các em thiếu nữ mặc áo đỏ, váy đỏ không có khăn quàng. Cô dâu sẽ đeo vòng cổ đủ đôi, khuyên tai, khăn che mặt…
Người Pà Thẻn luôn tự hào về những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Niềm vui, tự hào ấy được nhân lên khi Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống bản My Bắc (xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) được thành lập, với mục đích bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, được thành lập từ năm 2008.
Gương sáng tuổi cao
Cụ Trạc Thị Ngọn đã hơn 80 tuổi, là người dân tộc Cao Lan, sinh sống ở bản Khe Nghè, thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Dù tuổi đã có, sức đã yếu nhưng tình yêu của cụ dành cho nghề dệt thổ cẩm vẫn đong đầy, cụ đang thắp sáng niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống.
Tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, tinh tường và khéo léo. Cụ chia sẻ bộ quần áo của người Cao Lan thường có ba màu chủ đạo là chàm, nâu và đen. Các họa tiết trên trang phục đều gần gũi với cuộc sống sinh hoạt, lao động của đồng bào như hình quả trám, hoa hồi, cây đa, chim bồ câu… Các họa tiết này đều được thêu tay, người khéo tay thì từng mũi chỉ đều tăm tắp mà không lộ gấu vải. Tất cả các khâu đều làm thủ công nên muốn có được tấm vải đẹp thì người dệt phải dành từ 12-14 ngày, sau đó phần trang trí họa tiết cho bộ quần áo dài của nữ phải mất vài tháng hoặc cả năm mới hoàn thành.
Theo phong tục của người Cao Lan, con gái trước khi lấy chồng phải tự tay thêu, dệt quần áo cưới. Nếu không có quần áo thêu, dệt thổ cẩm và đặc biệt là đôi dải yếm mặc lần đầu trong hôn lễ thì cô gái sẽ không may mắn về sau... Ấy thế nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay không phải người Cao Lan nào cũng biết dệt, thêu thổ cẩm để may trang phục cho chính mình. Số lượng người biết thêu, dệt thổ cẩm truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay, người trẻ càng không nhiệt tình với khung cửi, thêu, dệt thổ cẩm… Những điều này luôn khiến người tâm huyết giữ nếp văn hóa truyền thống cha ông như cụ Ngọn trăn trở không yên.
Đến năm 2006, UBND huyện Lục Nam đầu tư dự án khôi phục và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm ở bản Khe Nghè. Cụ Trạc Thị Ngọn đã cùng một số phụ nữ có tuổi trong thôn biết nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan thành lập Câu lạc bộ thêu, dệt thổ cẩm. Đến nay, câu lạc bộ đã có lực lượng đông đảo, đóng góp rất lớn trong việc truyền dạy, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương. Ngoài vốn kiến thức được bà và mẹ truyền dạy thì cụ Ngọn còn cất công lặn lội tìm đến các tỉnh có đông đồng bào Cao Lan sinh sống như: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ… để học hỏi, sưu tầm những mẫu áo váy xưa về nghiên cứu cách thêu rồi truyền đạt cho những thành viên trong câu lạc bộ.
Giúp đồng bào các dân tộc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” từ năm 2019-2030 nhằm nghiên cứu cấp bách, khôi phục trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã bị mai một.
Đề án hướng tới nhiều mục tiêu cụ thể: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một. Đến năm 2022, có 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội. Đề án cũng đề cập đến việc lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn đề án khi đi vào đời sống sẽ giúp đồng bào các dân tộc – chủ thể văn hóa nhận thức được vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn di sản và truyền lại cho thế hệ sau. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống dân tộc thiểu số sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được. Việc phát huy trên cơ sở bảo tồn và phát triển nền tảng gốc của trang phục cũng không thể thực hiện được.
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng cho rằng: Đây là đề án rất kịp thời trong bối cảnh nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không còn giữ gìn được trọn vẹn trang phục truyền thống. Đề án không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc Việt Nam mà còn góp phần đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc…
Ông Trần Hữu Sơn cũng cho rằng khi thực hiện nên phân loại trang phục dân tộc theo các hướng bảo tồn khác nhau, bảo tồn nguyên vẹn hay bảo tồn theo các giai đoạn tái sáng tạo, chấp nhận sự cách tân, cải biến của trang phục qua nhu cầu của người sử dụng và thời gian. Sự tái sáng tạo trang phục cũng cần phải được sự chấp nhận của cộng đồng. Quá trình tái sáng tạo trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số rất cần có sự tham gia của các họa sĩ, nhà nghiên cứu tham gia và được cộng đồng chấp thuận…