Gìn giữ nghề dệt vải lanh của đồng bào Mông

Nghề dệt vải lanh ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu (Sơn La) đang đứng trước nguy cơ mai một.

Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, nguy cơ mai một, làm mất dần bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số đang hiện hữu, trong đó có nghề dệt vải lanh ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu - một nghề truyền thống mang nhiều bản sắc của đồng bào Mông.


Chị Giàng Thị Sa ở bản Keo Đồn, xã Chiềng On, tuy không phải là thợ lâu năm trong nghề dệt vải lanh nhưng lại được khá nhiều người dân địa phương biết đến bởi sự khéo léo và tài năng, thể hiện qua những tấm vải lanh bền, đẹp và chắc. Chị Sa cho biết, với người Mông, sợi lanh không chỉ là vật liệu cơ bản để dệt vải may mặc, phục vụ nhu cầu, đời sống vật chất của con người mà sợi lanh từ xa xưa đã đi vào thế giới tâm linh, tình cảm, trở thành một biểu tượng cho sự bền chắc của đời người, sự gắn bó lứa đôi; là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người đã mất trở về với tổ tiên.


Như bao cô gái người Mông khác, chị Sa học dệt vải lanh từ mẹ mình khi còn nhỏ, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi chị lại chăm chỉ ngồi tước lanh, dệt vải may váy áo. Thời gian gần đây chị ít dệt hơn vì bận bịu lo toan cho cuộc sống và chỉ dệt số lượng ít để sử dụng trong các nghi lễ trong gia đình, chứ không dùng để may quần áo mặc thường ngày. Đáng quan tâm là trong gia đình chỉ còn một mình chị biết dệt vải lanh truyền thống, khó có thể truyền nghề cho các thế hệ sau.


Chị Giàng Thị Sa tâm sự, bây giờ bận công việc nương rẫy nên tôi ít dệt vải lanh. Mọi người giờ thường đi mua quần áo ở ngoài chợ, không mất thời gian dệt. Những tấm vải lanh hiện có, tôi giữ lại. Sau này, con gái đi lấy chồng tôi sẽ truyền lại bộ váy được làm từ cây lanh cho con.


Nếu như trước đây vào mỗi dịp lễ, đặc biệt là khi có đám cưới trong bản, các cô gái Mông đều xúng xính mang trên mình những bộ áo, váy truyền thống được làm từ sợi cây lanh bền, đẹp thì giờ đây khó có thể bắt gặp những bộ váy đặc trưng ấy, chỉ có một số rất ít phụ nữ trung niên còn sử dụng.


Nhiều ý kiến cho rằng, bộ trang phục được làm từ vải lanh gây bất tiện, bởi khi mặc trên người khá nặng và khó giặt khi bị bẩn. Bên cạnh đó, hiện nay, những bộ trang phục được sản xuất từ vải sợi bông với giá rẻ, phong phú chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đẹp lại tiện lợi nên việc dùng vải lanh để may quần áo đã giảm đi nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cô gái trẻ người Mông không còn mặn mà với việc se lanh, dệt vải.


Đứng trước nguy cơ nghề dệt vải lanh truyền thống bị mai một và dần mất đi, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để lưu giữ. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán khó, khi chính nhận thức của người dân và các thế hệ trẻ không quan tâm, lưu giữ và phát triển nghề truyền thống.


Ông Sồng Lao Khua, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng On cho hay: Xã xác định nghề dệt vải lanh là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông cần được giữ gìn và phát huy. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống các bản, đặc biệt là bản người Mông để tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và truyền kinh nghiệm cho con cháu.


Để nghề dệt vải lanh truyền thống của người Mông ở xã Chiềng On nói riêng và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung được duy trì, rất cần có sự vào cuộc, quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng, có những biện pháp thiết thực để giữ gìn nghề truyền thống. Bên cạnh đó, đồng bào người Mông cần tự ý thức, phát huy nội lực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.


Nguyễn Cường - Thùy Dung/TTXVN
Người La Chí bản Phùng giữ nghề trồng bông dệt vải
Người La Chí bản Phùng giữ nghề trồng bông dệt vải

Người La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đến nay vẫn rất trân trọng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ thường xuyên mặc quần áo dân tộc vào mỗi dịp lễ hội, đi chơi, đi chợ hoặc ngay cả khi ra đồng làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN