Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật rút binh sĩ khỏi Iraq

Trong một diễn biến cho thấy cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Barack Obama đang nhận được sự ủng hộ từ phía Quốc hội Mỹ, ngày 17/6 Hạ viện nước này đã bỏ phiếu phủ quyết một dự luật yêu cầu Nhà Trắng phải rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Iraq và Syria trong vòng một tháng. 


Hiện Mỹ có 3.650 binh sĩ hỗ trợ tại Iraq.


Một nguồn tin từ Hạ viện Mỹ cho biết các hạ nghị sĩ đã bác bỏ dự luật nói trên với 288 phiếu chống và 139 phiếu thuận. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ yêu cầu chính quyền Obama phải rút hết binh sĩ khỏi Iraq trong vòng 30 ngày, hoặc trước cuối năm 2015 nếu Nhà Trắng kết luận khung thời gian 30 ngày để rút quân là không an toàn. 


Các nghị sĩ đồng bảo trợ dự luật cho biết việc giới thiệu văn kiện này, trong khuôn khổ của Luật Các quyền Chiến tranh, sẽ dẫn tới một cuộc tranh luận lớn hơn về quyền hạn sử dụng sức mạnh quân sự để truy quét nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. 


Quân đội Mỹ bắt đầu mở các cuộc không kích nhằm vào IS từ tháng 8/2014, song các nghị sĩ nước này vẫn chưa tranh luận và bỏ phiếu về một dự luật nào liên quan tới quyền hạn của chính quyền Obama đối với cuộc chiến này. Tâm lý lo ngại tại Quốc hội Mỹ về sứ mệnh chống IS càng lên cao khi ngày 10/6 vừa qua Tổng thống Obama ra lệnh tăng cường 450 binh sĩ huấn luyện và cố vấn quân sự Mỹ tới Iraq để hỗ trợ các lực lượng của quốc gia Trung Đông này đảo ngược tình thế trên thực địa. Trước đó, Mỹ đã có 3.100 binh sỹ tại Iraq.


Bên cạnh đó, Mỹ và Tây Ban Nha ngày 17/6 đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ bố trí thường trực 2.200 lính thủy đánh bộ tại quốc gia Nam Âu này. Đây là lực lượng có thể nhanh chóng triển khai để đối phó với các cuộc khủng hoảng tại châu Phi. 


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Tây Ban Nha Ignacio Ibanez đã ký thỏa thuận trên, văn kiện điều chỉnh một thỏa thuận đối tác quốc phòng đã được hai nước ký vào năm 1988. Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ bố trí “Lực lượng Đặc nhiệm Không quân-Lục quân Thủy quân lục chiến Mục đích đặc biệt” tại căn cứ Moron de la Frontera, miền nam Tây Ban Nha, với nhiệm vụ bảo vệ các đại sứ quán Mỹ ở châu Phi, sơ tán công dân trong tình huống khẩn cấp hoặc can thiệp vào các cuộc xung đột hay khủng hoảng nhân đạo. Lực lượng này sẽ trực thuộc Bộ Chỉ huy châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) có tổng hành dinh ở Stuttgart, Đức. 


Phát biểu sau lễ ký, ông Blinken tuyên bố Mỹ “rất cảm kích những người bạn và đồng minh Tây Ban Nha về thỏa thuận trên”, đồng thời khẳng định động thái này cho thấy quan hệ đối tác giữa hai nước “ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn”. Về phần mình, Thứ trưởng Ibanez cũng đánh giá “đây là một thỏa thuận vô cùng quan trọng”.


Hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria cho biết bên cạnh 2.200 lính thủy đánh bộ, Mỹ cũng sẽ triển khai 500 nhân viên dân sự và 26 máy bay tại căn cứ Moron de la Frontera. Hiện Mỹ đã có khoảng 800 binh sĩ ở căn cứ này. Đây là lực lượng được triển khai tạm thời sau khi xảy ra vụ tấn công chết người nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, miền đông Libya, hồi năm 2012 khiến Đại sứ Mỹ Chris Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác thiệt mạng.

TN
Mỹ rút Vệ binh Quốc gia khỏi Baltimore
Mỹ rút Vệ binh Quốc gia khỏi Baltimore

Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã bắt đầu rút khỏi thành phố Baltimore thuộc bang Maryland của Mỹ và khu mua sắm trung tâm Mondawmin sẽ mở cửa trở lại trong ngày 4/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN