Hải quan Vân Phong - thành tích ấn tượng trong điều kiện “không nước ngọt”

Vân Phong có khu nghỉ mát Dốc Lết nổi tiếng của miền Trung và Khánh Hòa nói riêng, với đầy đủ các dịch vụ du lịch, nhưng ở nơi những người “canh cổng nền kinh tế đất nước” làm việc thì lại rất khó khăn. Nước ngọt khan hiếm ở mức số “0”. “Toàn bộ nước sinh hoạt của cán bộ công chức Hải quan Vân Phong phải dùng từ nguồn mua nơi khác chở đến. Chúng tôi phải dè xẻn từng giọt nước”, Chi cục trưởng Hải quan Vân Phong Nguyễn Văn Hưng bộc bạch.


 

Tàu chở dầu của Petrolimex đang tiếp dầu vào kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

 

Khó khăn vậy, nhưng Hải quan Vân Phong lại là nguồn thu “xương sống” của Cục Hải quan Khánh Hòa, với các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu: Cát vàng, hải sản, tàu đóng mới, xăng dầu, máy móc thiết bị, phụ tùng tàu biển, sắt thép... Nguồn thu thuế lên tới hàng ngàn tỷ đồng và liên tục trong nhiều năm đều đạt mức thu sau cao hơn năm trước, thậm chí là gấp nhiều lần. Có thể thấy con số ấn tượng qua các năm như sau: năm 2007 thu thuế đạt 825 tỷ 212 triệu đồng; năm 2008 đạt 1.100 tỷ 845 triệu đồng; năm 2009 đạt 1.983 tỷ 930 triệu đồng; năm 2010 đạt 2.469 tỷ 472 triệu đồng. Năm 2011, tuy kinh tế cả nước nói chung gặp khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng Hải quan Vân Phong vẫn nỗ lực đạt trên 2.300 tỷ đồng. Cũng còn một nguyên nhân khác là do việc điều chỉnh thuế suất xăng dầu theo hướng giảm, có lúc về 0%... Riêng năm 2013, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5, Chi cục đã đạt mức thu thuế trên 1.307 tỷ đồng... Điều đáng nói nữa trong lĩnh vực thu thuế là ở Hải quan Vân Phong không có tình trạng nợ đọng, cũng như không có việc xù nợ!


Hải quan Vân Phong cũng là đơn vị khá hiếm hoi có con số báo cáo về buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa; ma túy, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả; vi phạm hành chính và các vi phạm khác - luôn là con số “0”!

 

Điều này cho thấy, bên cạnh những yếu tố khách quan khó cho phép những hành vi sai trái có đất hoạt động; thì cũng có yếu tố chủ quan từ Hải quan Vân Phong. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong cho biết: Kết quả đáng khích lệ trong công tác điều tra chống buôn lậu ở Hải quan Vân Phong trước hết là việc triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành có liên quan đến công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Cùng đó là việc thực hiện công tác kiểm tra giám sát, thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan...


Thành tích của đơn vị đầy ấn tượng như vậy, nhưng lại hầu như không tỷ lệ thuận với thuận lợi. Mà ngược lại thì khó khăn đầy rẫy. Phần mềm công nghệ thông tin, điều kiện rất cần cho phục vụ khai báo hải quan điện tử lại chưa tương thích với hạ tầng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ... May mắn là doanh nghiệp “đại gia” xăng dầu Việt Nam - bạn hàng truyền thống chủ lực của Hải quan Vân Phong luôn sẵn sàng tham gia hải quan điện tử, nên đã góp phần cùng Hải quan Vân Phong đạt tới trên 90% lượng tờ khai xuất nhập cảnh được khai báo từ xa...


Chia sẻ về khó khăn của cán bộ Hải quan Vân Phong, Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa, ông Ngô Sơn cho biết: Nước sạch phải chắt chiu như... thời bao cấp, vì nguồn nước ở đây hoàn toàn không thể sử dụng được do nhiễm bẩn. Có khoan cũng vô ích, do vậy toàn bộ nước sinh hoạt cho anh chị em là phải mua từ các xe téc nước chở tới. Tiết kiệm nước sạch cũng là một trong những nhiệm vụ mà cán bộ công chức Hải quan Vân Phong phải thực hiện, vì nước sạch rất đắt, tới 200.000 đồng cho một xe téc với 3 m3 nước... Chi cục có 20 người (trong đó có 4 nữ) chỉ được dùng 6 m3 nước cho 2 ngày, trong thời tiết nóng nực quanh năm là sự kham khổ rất lớn...


Bài và ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN