Ngày 16/5, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn hiệu lực, xung đột dữ dội nổ ra giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ và phe nổi dậy ở miền Nam Yemen, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.Theo các nguồn tin quân sự và địa phương, ít nhất 12 người thiệt mạng và 51 người bị thương khi phiến quân Houthi ngày 16/5 nã pháo vào hàng loạt khu vực của thành phố Taez. Vụ tấn công diễn ra sau khi 26 tay súng Houthi và lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh bị tiêu diệt và 14 binh sĩ chính phủ thiệt mạng trong giao tranh vào đêm trước đó.
Chuyển người bị thương trong giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Abdu-Rabbu Mansour Hadi và phiến quân Houthi tại thành phố chiến lược Taez, miền nam Yemen ngày 15/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thời gian ngừng bắn nhân đạo ở Yemen sẽ kết thúc vào cuối ngày 17/5. Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu cáo buộc phiến quân Houthi nhiều lần vi phạm thỏa thuận trên và tuyên bố liên quân sẽ không chấp nhận một đợt ngừng bắn nào khác trong tương lai nếu Houthi tiếp tục tấn công các thành phố ở miền Nam Yemen.
Trong khi đó, giới chức các tỉnh miền Trung và miền Nam Yemen cho biết do giao tranh tiếp diễn, người dân tại các vùng này chưa nhận được hàng hóa cứu trợ bao gồm lương thực, thuốc men và nhiên liệu. Trong ngày 16/5, Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã triển khai hai chuyến bay cứu trợ tới thủ đô Sanaa, trong khi Hội Chữ thập đỏ và tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) cũng đã cử các đội y tế đến đây. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi liên quân Arab đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra nhập khẩu, vốn được thực hiện nhằm ngăn chặn hoạt động cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi song lại cản trở việc vận chuyển hàng hóa.
Theo ước tính của LHQ, hơn 1.400 người trong đó quá nửa là dân thường đã thiệt mạng kể từ ngày 26/3, khi liên quân Arab bắt đầu tiến hành không kích nhằm vào phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh tại Yemen. Lực lượng Houthi tuyên bố sẽ quay trở lại đàm phán hòa bình với điều kiện liên quân Arab kết thúc chiến dịch không kích, đồng thời yêu cầu tổ chức đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) thay vì ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tuy nhiên, Riyadh khẳng định sẽ tiếp tục các hành động quân sự cho tới khi chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được khôi phục.
TTXVN/Tin Tức