Ngày 27/8, Air France của Pháp là hãng hàng không tiếp theo trên thế giới đình chỉ các chuyến bay tới Liberia và Sierra Leone, khiến trung tâm vùng dịch Ebola ngày càng bị cách ly với thế giới.
Air France cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên kết quả phân tích tình hình dịch Ebola cũng như yêu cầu của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, Air France xác nhận hãng vẫn duy trì lịch trình các chuyến bay đến và đi từ Guinea và Nigeria.
Một ngày trước đó, Hãng hàng không Anh (British Airways) cũng thông báo đình chỉ các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone cho tới năm 2015 do lo ngại nguy cơ lây lan bệnh Ebola. Hãng hàng không Bỉ (Brussels Airlines) ngày 23/7 cũng đã hủy chuyến hàng loạt. Như vậy, hiện chỉ còn duy nhất Hãng hàng không Hoàng gia Maroc (RAM) duy trì dịch vụ tại Liberia và Sierra Leone. Ngày 25/8 vừa qua, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo việc các nước hạn chế hoạt động hàng không tới "tâm bão" Ebola có thể cản trở công tác đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Hãng hàng không Pháp Air France đình chỉ các chuyến bay đến các nước trung tâm dịch Ebola.
|
Cũng trong ngày 27/8, CHDC Congo (DRC) xác nhận 6 ca nhiễm virus Ebola ở nước này dựa trên các kết quả xét nghiệm mới công bố.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Y tế DRC Felix Kabange Numbi cho biết nước này phát hiện tổng cộng 42 trường hợp liên quan đến bệnh Ebola kể từ đầu đợt bùng phát dịch, trong đó 6 ca được xác nhận nhiễm, 13 ca có khả năng và 23 ca nghi nhiễm Ebola. Số ca tử vong do bệnh Ebola vẫn là 13 người, trong đó có5 nhân viên y tế. Ngoài ra, 1 người từng tiếp xúc với các trường hợp nói trên đã được nhận diện và theo dõi.
Chỉ vài ngày sau khi DRC thông báo đợt bùng phát dịch Ebola thứ 7 trong lịch sử nước này, LHQ đã cung cấp một khoản viện trợ 1,5 triệu USD nhằm hỗ trợ DRC chống lại căn bệnh đang gây lo ngại toàn cầu này.
Trong khi đó, chính phủ nước láng giềng của DRC là Zambia ngày 27/8 đã ký một văn bản luật cho phép các nhân viên y tế nước này thông báo với giới chức y tế về mọi trường hợp nghi nhiễm Ebola. Theo Thứ trưởng Y tế Zambia Chitalu Chilufya, Lusaka đã nhận được gói hỗ trợ chuẩn bị ứng phó với Ebola trị giá 50.000 USD từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời nước này cam kết tăng cường kiểm soát biên giới với DRC ngằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola với số ca nhiễm ngày càng tăng, ngày 27/8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ Tom Frieden cảnh báo tình hình "có thể trở nên tồi tệ hơn". Ông Frieden nhấn mạnh rằng vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa được chẩn đoán và báo cáo, bên cạnh những con số thống kê khổng lồ hiện nay.
Theo WHO, thế giới đang hứng chịu đợt bùng phát "chưa từng có tiền lệ" của căn bệnh Ebola. Trong số 2.615 người mang chủng virus chết người này, 1.427 người đã không qua khỏi. Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng các số liệu vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế do nhiều vùng dịch vẫn chưa được tiếp cận và một số cộng đồng dân cư chống đối nhân viên y tế.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cảnh báo nước này không nên tự mãn trước những tiến triển tích cực gần đây trong nỗ lực phòng chống dịch Ebola. Ông Chukwu nhấn mạnh Abuja mới chỉ "làm tốt" công tác kiểm soát sự lây lan của virus Ebola, chứ chưa loại bỏ được căn bệnh này như một số trang báo Nigeria đã "giật tít" trước đó. Ngoài ra, thận trọng trước diễn biến dịch Ebola, Chính phủ Nigeria ngày 26/8 đã yêu cầu toàn bộ các trường học trong nước đóng cửa đến ngày 13/10.
TTXVN/Tin Tức