Hiệu quả bước đầu từ “Dự án 600” - Trưởng thành từ thực tiễn

Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo (Dự án 600) đã kết thúc giai đoạn 1. Theo đánh giá từ các bộ, ngành và địa phương, nhiều ý tưởng và những cách làm hay, tư duy mới của các trí thức trẻ đã lan tỏa sang các công chức trong hệ thống chính quyền cấp xã, đóng góp thiết thực cho địa phương.

 

Trí thức trẻ Đặng Anh Dũng (ngoài cùng, bên trái), SN 1988, tốt nghiệp ngành hóa ĐH Khoa học Thái Nguyên về làm PCT xã Sơn Lập - nơi khó khăn nhất của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Trong ảnh: Dũng đến nhà người dân để truyền đạt chương trình hỗ trợ cứu đói mùa giáp hạt năm 2012. Ảnh: Mai Xuân Tùng- CTV báo Tiền Phong

 

Hầu hết các trí thức trẻ về xã nghèo đã cứng cáp, được dân quý, tin yêu, từng bước trưởng thành trên cương vị mới. Nhiều đề án, ý tưởng của các trí thức trẻ đã đóng góp thiết thực cho địa phương.

 

Vượt mọi gian khó


Đã bớt đi nhiều bỡ ngỡ của những ngày đầu, đến nay, sau 1 năm đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch (PCT) xã An Vinh (An Lão - Bình Định), anh Đinh Văn H’Lác, đã thấy tự tin hơn. Anh H’Lác là 1 đội viên Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm PCT UBND xã thuộc 63 huyện nghèo.


Sau khi tốt nghiệp đại học Quy Nhơn về địa phương công tác, anh H’Lác nhận thấy, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn là do tập tục sinh hoạt và sản xuất của bà con khá lạc hậu. Do đó, anh H’Lác đã tích cực tham gia triển khai vận động người dân xóa bỏ tập tục di canh di cư, chuyển dần sang định canh định cư. Bên cạnh đó, anh cũng góp sức mình vào việc thực hiện chủ trương giao khoảng gần 100 ha đất cho bà con 2 xã trong thôn để trồng rừng.


Cũng như H’Lác, trí thức trẻ Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1985) đã đến xã Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi), cách quê hương mình hơn 100 km để ứng tuyển vào vị trí PCT xã. Những ngày đầu ở vị trí công tác mới, Khoa gặp không ít trở ngại. Trở ngại nhất là ngôn ngữ. Xã Ba Điền có 98% dân số là đồng bào H’rê. Cả một cơ quan chỉ có 2 người là dân tộc Kinh và nói tiếng phổ thông, còn lại 43 đồng chí khác đều là người địa phương. Khoa nhớ lại: “Nhiều khi trong cuộc họp, có những đồng chí đang nói tiếng phổ thông thì các đồng chí lại chuyển sang tiếng H’rê. Tôi ngơ ngác không hiểu gì”.


Tuy nhiên, nhờ tích cực học tiếng H’rê và được sự giúp đỡ của các cán bộ địa phương và nhất là nhận được tình cảm quý mến của bà con, Khoa đã xác định sẽ “vượt khó để cống hiến nhiều hơn cho vùng quê nghèo”.


So với H’Lác, trí thức trẻ Phan Văn Hùng, PCT xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) gặp nhiều khó khăn hơn trong buổi đầu đến với những công việc làm phó chủ tịch xã. Hùng quê ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Xa quê 800 km nên từ khi nhận nhiệm vụ, Hùng mới về thăm bố mẹ ở quê được 1 lần.


Hùng chia sẻ: “Xã đặc thù có 13 bản, chỉ có 3 bản ở gần trung tâm là đi được bằng xe máy tới tận nơi, còn tất cả các bản còn lại phải đi bộ. Bản đi bộ gần nhất là 7 km, bản xa nhất phải 18 km nên đi lại rất vất vả”.


Đánh giá về hiệu quả của dự án sau 1 năm triển khai, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết: “Hiện nay, nhiều trí thức trẻ đã thích nghi và đảm nhiệm tốt công việc, có nhiều đóng góp cho địa phương và tạo được sự tin tưởng của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Khoảng 12% số đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 60% hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết.

 

Kỳ vọng và trăn trở


Nhiều bạn đã đưa gia đình đến nơi công tác. Nhiều bạn đã xây dựng gia đình tại địa phương nơi các bạn làm PCT xã. Điều đó thể hiện sự gắn bó của các bạn với địa phương. Nhiều bạn đã đề xuất các đề án để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa với địa phương”.

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh

Thời điểm Nguyễn Anh Khoa nhậm chức là lúc tại xã Ba Điền đang bùng phát bệnh “lạ” sau này được biết với tên khoa học là hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân. Với suy nghĩ phải có cách nào đó giúp dân vượt qua hoạn nạn này, Khoa đã cùng 1 cán bộ địa phương đi khảo sát nguồn nước toàn xã. Trở về, Khoa đã xây dựng Đề án Xây dựng hệ thống nước sạch xã Ba Điền năm 2013. Đề án này đang được tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 10 tỷ đồng để triển khai.


Trí thức trẻ Phan Văn Hùng, PCT xã Tủa Xín Chải, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) vốn là kỹ sư trồng trọt nên sau thời gian ngắn “nhậm chức” Hùng đã xác định phải thay đổi tập quán sản xuất, cách làm ăn lạc hậu của bà con.


Anh kể: “Là cán bộ trẻ, để được bà con tín nhiệm, tôi xác định phải rất nghiêm túc gương mẫu trong công việc cũng như trong cuộc sống. Bên cạnh đó, để gắn bó với bà con, tôi phải xuống từng địa bàn làm quen và vận động bà con thay đổi các tập quán lạc hậu, sửa sang nếp sống”. Chẳng hạn, với những đoạn đường khó đi, anh vận động bà con phát dọn sửa sang để dễ đi hơn. Tiếp đó, anh đến các gia đình vận động cho con em đi học đều đặn, tham gia góp công sức sửa sang trường lớp để phục vụ chính việc học của con em mình. Anh Hùng cho rằng đó là những việc làm tuy nhỏ mà thiết thực nhất với bà con. “Tới đây, tôi sẽ cùng xã xây dựng những đề án phát triển kinh tế: chăn nuôi dê, gà quy mô trang trại, có hướng dẫn kỹ thuật từ việc làm chuồng đến hỗ trợ thức ăn, thuốc thú y, có sự kiểm tra giám sát của những người có trách nhiệm”, anh Hùng bày tỏ.


“Để thay đổi được bộ mặt xã nghèo thì cần nhiều thời gian. Nhưng, khi đã nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ cần phải cống hiến sức trẻ, tâm huyết và dùng những kiến thức mình có để phục vụ bà con. Vừa giúp bà con, vừa giúp chính mình trưởng thành hơn”, anh Hùng tâm sự.

 

Mạnh Minh - Nam Hoàng

Sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá xếp loại trí thức trẻ

Theo ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Giám đốc Dự án 600, trong giai đoạn sắp tới, dự án sẽ giúp các đội viên trí thức trẻ bồi dưỡng ý chí phấn đấu, phát huy hơn nữa trình độ, khả năng để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội các xã nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN