Giờ học của các em Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pá Lông (Thuận Châu, Sơn La). Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật về hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua ban hành nhiều nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, chính sách.
Trong đó có chương trình mục tiêu giáo dục; đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên; chính sách đào tạo cử tuyển, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học; chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên công tác các trường chuyên biệt, ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhờ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển toàn diện ở tất cả các ngành học, cấp học: Quy mô trường lớp, số lượng học sinh tăng nhanh; tỷ lệ huy động trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước; công tác phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì, củng cố vững chắc.
"Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi những năm qua đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số nói riêng", Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nhấn mạnh.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đồng tình với Báo cáo kết quả giám sát, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 - 2017. Cụ thể, một số chính sách không sát với điều kiện thực tế các vùng, miền, đối tượng như chính sách cấp gạo đồng đều 15kg gạo/học sinh/tháng cho học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông; chính sách cấp áo bông cho học sinh dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Bên cạnh đó, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn có khoảng cách đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Đặc biệt ở các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu nhiều phòng học, nhà ở bán trú, bếp ăn, công trình vệ sinh và các điều kiện sinh hoạt, học tập khác.
Các thành viên Hội đồng Dân tộc cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là các văn bản hướng dẫn còn chậm, một số văn bản không còn phù hợp với thực tiễn phát triển. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn phân tán, dàn trải, chưa có sự tích hợp; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn thiếu đồng bộ dẫn đến trùng lắp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng.