Tại vùng đất Bắc Yên - Sơn La, giữa tiết trời giá lạnh của vùng cao Tây Bắc, những học sinh chân trần, co ro vì rét vẫn cố gắng để học lấy cái chữ.
Gian nan học cái chữ
Vượt qua quãng đường gần 200 km từ Hà Nội đến Bắc Yên, qua những con đường ngoằn nghoèo, những con đèo uốn lượn qua các núi, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hồng Ngài, cách thị trấn Bắc Yên khoảng 20 km. Giữa cái rét cắt da cắt thịt, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những dáng hình nhỏ thó co ro của các em học sinh với chân không tất, quần áo không đủ ấm. Vào tận nơi, chứng kiến tận mắt điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh Hồng Ngài mới thấu hiểu được hành trình học cái chữ của các em gian nan, vất vả như thế nào.
Học sinh trường PTDTBT Hồng Ngài co ro vì lạnh, chân không tất và mặc không đủ ấm. |
Đi sâu vào khu nội trú là dãy nhà cấp bốn, bên trong, ngoài những chiếc giường với chiếu cũ và chăn mỏng, dưới mỗi chiếc giường là một vài bó củi, chiếc nồi nhôm đen nhẻm và một chiếc hòm đựng sách vở thì không có vật dụng gì đáng giá khác. Khu bếp của học sinh được xây theo từng ô một, mỗi ô khoảng 1m2 chỉ để cho một người ra vào. Bếp không có kiềng đun nấu, không cánh cửa, không đèn mà chỉ là vài ba viên đá xếp ba góc đủ để đặt một chiếc nồi lên trên. Tận mắt chứng kiến bữa cơm của các em học sinh PTDTBT Tiểu học Hồng Ngài khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, bữa cơm của các em không thịt, không canh, chỉ có một ít cơm và vài miếng măng rừng muối. Nhiều khi không đủ gạo ăn, các em phải ăn bí ngô luộc với măng ớt thay cơm.
Lớp học tuềnh toàng của học sinh trường PTDTBT Hồng Ngài. |
Ông Nguyễn Thanh Chương, Hiệu Trưởng trường PTDTBT Hồng Ngài cho biết: “Năm học 2012 - 2013 trường có 8 điểm trường với 33 lớp, học sinh toàn trường có 602 em, hầu hết các em là người dân tộc Mông ở các bản nằm rải rác. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, cả trường còn 14 phòng học là nhà tạm, nhiều bảng đen chưa đúng quy cách, chất lượng kém. Hơn nữa, các điểm trường nằm rải rác, dân cư không tập trung, giao thông nối liền giữa các bản, các xã không thuận lợi. Điều kiện sinh hoạt của học sinh nơi đây còn rất nhiều khó khăn, để đi học, có những em phải đi bộ hơn 10 km. Những em ở nội trú mới 7-8 tuổi nhưng phải tự đi kiếm củi, tự lấy nước ở các móong nước sâu trong núi để dùng uống và nấu ăn chứ không có nước tắm, muốn tắm lại ra các suối, ao ở rất xa vất vả lắm...”.
Giữa cái lạnh thấu xương nơi vùng cao Tây Bắc, các em học sinh vẫn ngày ngày vượt đường xa tới lớp trên những đôi chân trần tím tái vì không giày, không tất. Những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống không ngăn được ước mơ của học sinh nơi đây, đó là khao khát được học cái chữ.
Noong Ọ B - Bản người Mông “nhiều không”
Bà Mùa Thị Máy - Trưởng Ban Dân vận huyện Bắc Yên dẫn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với bản Noong Ọ B, xã Tạ Khoa - Bắc Yên - Sơn La. Cách thị trấn Bắc Yên hơn 30 km, quãng đường dẫn đến bản Noong Ọ B rất khó đi với những đoạn đường đất đá lởm chởm, ngoằn ngoèo bắt ngang qua các con suối. Cách bản Noong Ọ B 8 km là đường dốc nhỏ hẹp nằm cheo leo men theo sườn núi, rất khó đi. Phương tiện duy nhất phù hợp với địa hình dốc và uốn lượn nơi đây có lẽ là những chiếc Minsk dã chiến. Xe của chúng tôi di chuyển chậm trên cung đường gập ghềnh, hiểm trở. Để vào được trong bản, với chúng tôi, những người không quen đường núi, đó là cả một "chiến công".
Bản Noong Ọ B nằm trơ trọi trên đỉnh núi cao với 77 hộ dân gồm 463 người sống năm này qua năm khác trong hoàn cảnh không điện, không nước, không chợ búa. Nhìn những em bé H’Mông mặt mũi lem luốc, ngơ ngác khi thấy người lạ đứng nép sau lưng mẹ. Do cách xa trung tâm huyện, đi lại không thuận tiện nên cái nghèo vẫn đeo bám từng nóc nhà, từng con người nơi đây.
Cô Nguyễn Thị Tình, giáo viên Trường Tiểu học Tạ Khoa dẫn chúng tôi đến thăm lớp học của bản Noong Ọ B. Đó là những lớp học hết sức tuềnh toàng lợp bằng tre nứa lá, gió thốc vào lạnh buốt. Lên công tác ở Tạ Khoa đã được 2 năm, cô giáo Nguyễn Thị Tình thấu hiểu những khó khăn của học sinh nơi đây trong việc học cái chữ thế nào. "Các em còn bé nhưng để đi học, có em phải đi bộ rất xa và hầu như là đi chân đất đến trường", cô giáo người Thanh Hóa chia sẻ.
Không điện, không nước sạch, không chợ búa, giao thông đi lại khó khăn, trường học tạm bợ với những lớp học tuềnh toàng là những khó khăn trong phát triển kinh tế và đời sống của người dân bản Noong Ọ B cũng như xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La. Chúng tôi trở về mà lòng đầy những tâm sự ngổn ngang, thương cho đời sống khốn khó của đồng bào và thầm hi vọng, trong lần trở lại xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La; trở lại với bản Noong Ọ B tiếp theo, người dân nơi đây sẽ có điện, có chợ và những phòng học tốt hơn để cuộc sống của họ bớt khó khăn và con em họ cũng có điều kiện tốt hơn để học lấy cái chữ.
Bài và ảnh: Long Nguyễn - Như Hồng