Hội thảo Biển Đông tại Mỹ đưa nhiều khuyến nghị hạ nhiệt căng thẳng

Sáng 10/7, Hội thảo thường niên lần thứ tư kéo dài 2 ngày về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức đã khai mạc tại thủ đô, quy tụ các học giả hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo Biển Đông tại Mỹ.

 

Hội thảo năm nay với chủ đề “Các xu hướng hiện tại ở Biển Đông và chính sách của Mỹ”. Các học giả đã đi sâu phân tích về các diễn biến mới đây trong vấn đề Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, các khía cạnh của vụ kiện pháp lý mà Philippines đang tiến hành chống Trung Quốc tại Tòa án Liên Hợp quốc về Luật biển (ITLOS). Trong cuộc hội thảo cũng như có nhiều khuyến nghị về các biện pháp, nhất là với Mỹ trong việc đối phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, góp phần hạ nhiệt căng thẳng và duy trì ổn định tại khu vực.

 

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Hạ nghị sỹ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ khẳng định Trung Quốc đã quyết định đây là “thời điểm để thay đổi nguyên trạng” và coi mỗi lần Trung Quốc thành công trong việc xây dựng thêm một đảo mới hay yêu sách thêm một rặng san hô thì đó là “cái chết được thực hiện bởi hàng ngàn nhát cắt”. Vị nghị sỹ Mỹ này cho rằng chiến lược ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đến nay là không hiệu quả và đây là thời điểm cần phải tính toán lại. Theo ông, đối đầu tại Biển Đông càng kéo dài thì xung đột vũ trang càng dễ xảy ra. Về chính sách của Mỹ, ông ủng hộ việc Mỹ cần phải ngăn chặn điều mà Trung Quốc tin rằng thế giới không quan tâm đến vấn đề đang diễn ra ở Biển Đông liên quan đến các nước láng giềng của Trung Quốc.

 

Người tham dự đặt câu hỏi với các diễn giả tại Hội thảo.


Ông cũng khuyến nghị Mỹ cần không chỉ là củng cố các liên minh và mối quan hệ hữu nghị hiện có mà cần xây dựng thêm các mối quan hệ mới ở châu Á, cả về thương mại và an ninh; đồng thời lên tiếng trực tiếp và mạnh mẽ hơn về ngoại giao với Trung Quốc. Học giả Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới đề xuất Mỹ cần tiếp tục duy trì sự hiện diện tại khu vực, phối hợp chặt chẽ với các nước có liên quan nhằm tìm kiếm các cách thức để thay đổi các tính toán mang tính cưỡng ép của Trung Quốc.

 

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers phát biểu tại Hội thảo Biển Đông.

 

Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc, ông Christopher Johnson, đã đặt câu hỏi về điều gì đã thúc đẩy các tính toán mới đây của Trung Quốc. Ông cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố được rất nhiều quyền lực và đã thay đổi quan điểm về chính sách đối ngoại của Trung Quốc làm nó trở nên khó dự đoán hơn thời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục không quan tâm đến quan ngại của các nước láng giềng ở Biển Đông và nước này có thể sử dụng sức mạnh kinh tế như là đòn bẩy trong quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời ngăn chặn sự đồng thuận của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua sự phụ thuộc về khía cạnh kinh tế.

 

Các diễn giả trình bày tại Hội thảo.

 

Hai nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam, ông Trần Trường Thủy của Quỹ nghiên cứu Biển Đông và ông Vũ Hải Đăng của Hội Luật gia Việt Nam, với tư cách là các diễn giả chính đã đặc biệt nhấn mạnh đến vụ Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hồi đầu tháng 5 vừa qua, cho rằng đây là điểm bước ngoặt và là cấp độ quyết đoán mới của Trung Quốc, đồng thời khuyến nghị Mỹ và ASEAN cần đi đầu trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc của các bên ở Biển Đông (COC), cũng như ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, trong đó có việc phân xử qua cơ chế trọng tài quốc tế. Ngày 11/7, Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận với hai chủ đề về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và vấn đề hợp tác, xây dựng lòng tin nhằm giúp giải quyết vấn đề nóng bỏng và gai góc này.

 

Quang Hòa

Bầu cử Tổng thống Indonesia: 2 ứng viên, 2 quan điểm về Biển Đông
Bầu cử Tổng thống Indonesia: 2 ứng viên, 2 quan điểm về Biển Đông

Một ứng cử viên tin rằng, Indonesia cần có vai trò tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông. Người còn lại thì giữ quan điểm, Jakarta chỉ nên can dự có chừng mực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN