Hướng đến giảm nghèo bền vững

Những năm qua, dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên nguồn lực cao nhất cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo đã huy động được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Giảm nghèo nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo cao

Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - LĐTBXH), từ năm 2011 đến nay, các bộ, ngành đã ban hành và trình ban hành gần 100 văn bản liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo. Các Chương trình 30a, 135 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010, xuống khoảng 4,5% cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011, xuống dưới 28% cuối năm 2015. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015.

Việc vay vốn giảm nghèo sẽ được triển khai rộng hơn.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ “Giảm một nửa số người nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015”. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được tăng cường đầu tư, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp. Tuy nhiên, tỷ lệ cận nghèo còn cao, hộ thoát nghèo không bền vững và nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ nguy cơ tái nghèo chiếm tới hơn 30%. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Lõi nghèo hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, các huyện vùng cao khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60 - 70%; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Nhiều chính sách mới

Để thực hiện giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó điểm nhấn là đổi mới cách thức tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập, sang đa chiều, nhằm phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Qua đó, các ngành và địa phương tổ chức phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo mang tính tổng thể, toàn diện hơn.

Cả nước đang rà soát và tổng hợp đối tượng nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều mới. Nhiều tỉnh đã cơ bản rà soát xong và Bộ sẽ phúc tra với các địa phương còn nhiều tồn tại trong số liệu. Theo đánh giá ban đầu, số liệu dự báo của Trung ương với tỷ lệ nghèo của các địa phương rà soát theo tiêu chí nghèo đa chiều gần như phù hợp. Với cách tiếp cận này, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Việt Nam sẽ lên tới 12% và hộ cận nghèo khoảng 6%.

Từ dữ liệu khảo sát này, Văn phòng Quốc gia giảm nghèo đang xây dựng hệ thống phần mềm xác định rõ đối tượng nghèo, cận nghèo kiểm soát được trên toàn quốc. “Với dữ liệu phần mềm này sẽ tránh tình trạng chồng chéo, thậm chí thay đổi hộ nghèo, cận nghèo”, đại diện Văn phòng Quốc gia giảm nghèo cho biết.

Sau khi tổng hợp, các tỉnh phê duyệt tỷ lệ nghèo, Bộ LĐTBXH sẽ phê duyệt danh sách đối tượng và áp dụng chính sách cho đúng đối tượng. “Trong thời gian tới, các chính sách giảm nghèo được tổ chức rà soát, thiết kế lại theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng các chính sách cho vay có điều kiện và mở rộng cho các đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ nhà ở đã chuyển từ cho không sang cho vay dài hạn, lãi suất thấp. Chính sách vay vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất cũng tăng mức cho vay, linh hoạt thời gian vay cho hộ nghèo, cận nghèo”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Trong 5 năm tới, ngân sách riêng cho chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo tăng 6 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, ngân sách riêng chương trình 30a là 46.000 tỷ đồng với mục tiêu gồm 90 huyện, hơn 2.300 xã đặc biệt khó khăn, hơn 3.000 thôn bản và 310 xã ven biển hải đảo. Các chính sách chi thường xuyên cho hộ nghèo, cận nghèo như: Bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, cho vay tín dụng... cũng tăng lên 15.000 tỷ đồng. “Thời gian tới, các chính sách sẽ chuyển từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia nói chung xuống còn 2 chương trình, gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững, như vậy nguồn lực sẽ tập trung hơn vào những đối tượng địa phương còn khó khăn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết thêm.


Xuân Cường
Giảm nghèo nhờ trồng dược liệu dưới tán rừng
Giảm nghèo nhờ trồng dược liệu dưới tán rừng

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng đang được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ nhân rộng tại các huyện miền núi trong tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN