Xin bà đánh giá khái quát về hiệu quả giảm nghèo tại 6 tỉnh Tây Bắc trong thời gian qua.
Có thể khẳng định trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực và đã có những chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đặc biệt là nhóm đối tượng nghèo được quan tâm với hàng loạt những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cũng như làm tốt công tác an sinh xã hội với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; trong đó có vai trò của Ngân hàng Nhà nước với cả hệ thống Ngân hàng thương mại. Theo báo cáo của chương trình giảm nghèo quốc gia cũng như đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã nêu rất rõ, đó là tỉ lệ hộ nghèo trong 5 năm qua (2011 - 2015) ở vùng Tây Bắc đã giảm rõ rệt, từ 35% xuống còn 18%.
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh (bên trái) Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc trao tặng 2 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai. |
Tuy nhiên để đánh giá được những hiệu quả của nó thì phải có thời gian để khẳng định. Ví dụ toàn vùng Tây Bắc triển khai Chương trình xây dựng NTM, dù một số xã đã đạt được những tiêu chí đầu tiên nhưng tựu trung lại đó là những tiêu chí phát triển kinh tế. Các dịch vụ xã hội đã được mở rộng và tiếp cận được người dân, tuy nhiên mức độ tiếp cận mỗi nơi một khác dẫn đến tỷ lệ giảm nghèo khác nhau. Từ những phân tích vì sao toàn vùng Tây Bắc có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng 6 tỉnh thuộc vùng lõi Tây Bắc tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao trên 20% nhiều nguyên nhân, theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Một là, do điều kiện khách quan ở những tỉnh này đều có đặc điểm chung, nhưng chủ quan là chính sách của chúng ta nhiều nhưng còn chồng chéo, việc phối hợp các chính sách này gọi là lồng ghép có nhiều cơ chế dẫn đến những vướng mắc. Hai là, phân cấp phần quyền cho cơ sở vẫn còn hạn chế. Ba là, chủ thể là người nghèo và năng lực của họ còn nhiều hạn chế, vì vậy tính chất giảm nghèo bền vững cần được thay đổi để phù hợp hơn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, giảm 5,55% so với cuối năm 2013 và giảm 25,58% trong cả giai đoạn, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu theo kế hoạch đã được đề ra và vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3-5% mỗi năm, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135. |
Từ năm 2016, chúng ta chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia đó là giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, theo bà điều này có tạo ra cú hích cho công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc?
Tôi nghĩ là có, nhưng nó phải thật sự được quan tâm đồng bộ hơn từ các cấp, các ngành, các địa phương mà trong đó Tây Bắc phải có những chính sách đặc thù thì mới phù hợp. Theo tôi, cái nghèo của Tây Bắc có những đặc điểm khác với một số nơi: Thứ nhất, số hộ nghèo của vùng Tây Bắc theo công bố của các cơ quan chức năng có 95% là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở những vùng sâu vùng xa. Thứ hai, khoảng cách nghèo giữa các vùng ngay trong một địa phương và trong vùng cũng đã khác nhau. Ví dụ ở cùng một tỉnh, có nơi thu nhập trên 20 triệu đồng/người/năm, nhưng có nơi vùng sâu, vùng xa chỉ có 4,5 triệu đồng/người/năm, đây là quá chênh lệch. Vì vậy để cú hích này có tác dụng thì theo tôi các đơn vị cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc giúp người dân thoát nghèo.
Theo tôi cần tiếp tục khuyến khích phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đất ở, đất sản xuất, điện, nước… và tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội càng nhiều càng tốt. Người nghèo cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực nhưng chỉ nâng cao năng lực thôi chưa đủ mà phải nâng cao năng lực cho cả hệ thống quản trị, tổ chức chỉ đạo, thực hiện giảm nghèo, gồm nâng cao năng lực trong tiếp cận dịch vụ, nâng cao năng lực trong tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ vào vùng Tây Bắc để giảm nghèo bền vững. Có như vậy thì thì chương trình này mới khả thi chứ không phải chương trình nghiên cứu hàn lâm mà Đại học quốc gia là chủ nhiệm đề tài. Tôi nghĩ việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; đầu tư liên kết vùng trong phát triển một số cây nông lâm nghiệp, phát triển nghề cá, thủy sản nước ngọt trong vùng rất lớn nhưng chưa được khai thác. Để làm được việc này, theo tôi cần có những hội nghị và hội thảo lớn.
Để kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc phát triển, theo tôi cần quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy điện, các kết cấu hạ tầng khác…). Vùng Tây Bắc đã xác định ba mũi nhọn là kinh tế nông lâm nghiệp, khoa học kỹ thật và kinh tế du lịch. Bởi toàn vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng rất ít doanh nghiệp du lịch vào đầu tư, việc phát triển du lịch không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mà cả người dân cùng tham gia, trong đó có người dân ở các bản làng… Và cuối cùng là phải để người dân trở thành chủ thể thoát nghèo và phân cấp phân quyền mạnh hơn nữa cho các cơ sở; đặc biệt là các xã cần vào cuộc một cách quyết liệt, cấp ủy các cấp quyết tâm để người dân xóa nghèo.
Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ có định hướng gì trong chính sách giảm nghèo vùng Tây Bắc để có hiệu quả và tập trung?
Để tiếp cận giảm nghèo đa chiều, trước hết Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát lại các chính sách một cách chính xác, tránh chồng chéo ở mức độ có thể về hộ nghèo vùng Tây Bắc, tránh tư tưởng ỷ lại, đánh giá sai thực tiễn, tránh bệnh thành tích… Những chính sách gì cần thì vẫn tiếp tục, và sau đó bổ sung những cái thiếu để những chính sách này thật sự hữu ích với người dân. Song điều cơ bản nhất vẫn là xây dựng kế hoạch, chính sách từ người dân chứ không phải bằng ý chí chủ quan của những người chỉ đạo.
Xin cảm ơn bà!