Do sản xuất kinh doanh nông nghiệp phải chịu nhiều rủi ro như điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác. Khó phát triển sản xuất vì thiếu vốnNgân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1 - 2%. Nhờ chính sách phù hợp và kịp thời, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đã tăng mạnh, cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đến cuối tháng 12/2013 đạt 671.986 tỷ đồng, tăng 19,67% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tại “Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp 2014” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp vẫn cho rằng, việc vay vốn vẫn còn nhiều khó khăn.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank Chi nhánh Quảng Bình. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Do khó khăn trong khâu tiêu thụ và vay vốn, nhiều DN ngành mía đường đã phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm dừng sản xuất. Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mía đường Cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) kiến nghị: “Hiện nay, DN mới được vay thế chấp ngân hàng bằng 50% trị giá hàng hóa, trong khi đó, mức vay thế chấp nếu tăng lên 85% giá trị hàng hóa thì mới đủ vốn để đầu tư sản xuất được. Ngân hàng cũng cần có chính sách cho vay bổ sung vốn trung hạn để DN thay thế, bổ sung thiết bị... nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh”.
Mặc dù người nông dân được ưu đãi lãi suất nhưng ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp buộc phải trả nợ hết khoản cũ mới được vay khoản mới. Đây là điều kiện rất khó đáp ứng.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam |
Xuất phát từ thực tế là sản xuất kinh doanh nông nghiệp thường phải chịu nhiều rủi ro như điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ ông Võ Quang Huy, đại diện một DN nuôi và chế biến tôm tại ĐBSCL cho rằng, ngân hàng cần cho DN nông nghiệp vay vốn để tái đầu tư. “Ngành ngân hàng phải có cơ chế cho DN nông nghiệp vay trong các trường hợp bị rủi ro bất khả kháng để giúp DN có vốn để tái sản xuất”, ông Huy đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng thư ký Hội ngành ong Việt Nam cho biết: Là nước xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới về mật ong nhưng nông dân Việt Nam đều phải tự đầu tư vốn và phụ thuộc vào DN xuất khẩu ứng trước tiền, chưa có một ngân hàng nào hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này. Nhiều hộ chăn nuôi cho hay dù thực hiện đầy đủ những yêu cầu của ngân hàng như: Giấy phép cho chăn nuôi, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, vay trả lãi theo quy định của ngân hàng... nhưng khi vay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo phản ánh của các DN chăn nuôi gia cầm tại tỉnh Đồng Nai, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến hơn 60% và thường ngân hàng chỉ giải quyết ở mức 20 - 30 triệu đồng/hộ chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Đã vậy, người dân thường phải vay qua kênh vay vốn tín chấp của các hội, đoàn thể… nên rất mệt về những quy định hành chính, giấy tờ…
Ngân hàng ngại rủi roTheo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách tín dụng cho nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu cấp cho các DN sản xuất, chế biến, các hợp tác xã lớn, còn tín dụng dành cho nông dân khá ít. Trong khi đó, phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, nông hộ chiếm đa số... khiến cho sản xuất nông nghiệp thiếu vốn.
Bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận rằng, khu vực nông nghiệp nông thôn có cầu vốn rất lớn nhưng nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư do có nhiều yếu thế, rủi ro cao như thiên tai, dịch bệnh, doanh thu không ổn định bởi tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá”... nên khiến các ngân hàng ngại rót vốn, nên khu vực này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào tín dụng đen.
Bên cạnh đó, theo ngành nông nghiệp, các quy định tại Nghị định 41 của Chính phủ ban hành năm 2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn còn có nhiều điểm chưa phù hợp. Quy mô sản xuất nông nghiệp có xu hướng mở rộng và chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng lên trong khi đó các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại, đến nay không còn phù hợp.
Cùng với hạn mức cho vay quá thấp thì nông dân còn vướng ở chỗ, rất khó vay do ngân hàng nào cũng đòi hỏi tài sản thế chấp chứ không muốn cho vay theo kiểu tín chấp do độ rủi ro cao. Trong khi đó, vay vốn tín chấp thông qua các hội, đoàn thể… thì ngân hàng thường yêu cầu những quy định hành chính, giấy tờ… phức tạp nên nhiều nông dân ngại vay.
Ngọc Quang