Nhờ đó, những cánh rừng ngày càng phát triển xanh tốt, tạo môi trường sinh thái, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là hộ nghèo.
Tại các xã Hua Nà, Mường Cang, Phúc Than, Ta Gia, Khoen On, huyện Than Uyên, những cánh rừng xanh bạt ngàn đang phủ trống đồi núi trọc. Việc khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng được các xã ở huyện Than Uyên giao đến từng thôn, bản, hộ gia đình (là các chủ rừng).
Theo lãnh đạo UBND huyện Than Uyên, những hộ dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng đã coi rừng là báu vật, không chỉ điều hòa khí hậu, giữ nước mà việc giữ rừng tốt còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Ở các thôn, bản, khu dân cư, người dân đã cùng nhau giữ rừng, thường xuyên phát dọn thực bì phòng cháy chữa cháy dưới tán cây rừng. Người dân luôn có ý thức trong việc giữ rừng, coi đó là tài sản chung của gia đình, dòng họ, thôn, bản.
Hiện nay, huyện Than Uyên có 23.529 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ 11.357ha, rừng sản xuất là 12.172 ha. Công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng nhất là thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chú trọng thực hiện.
Các văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời, hệ thống chỉ huy điều hành từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, có quy chế hoạt động và phân công giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Kinh phí hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, dụng cụ được đầu tư kịp thời, chất lượng hơn.
Đặc biệt, công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng thường xuyên được triển khai đến các thôn, bản, khu dân cư bằng nhiều hình thức.
Do đó, nhận thức của nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng nâng lên. Năm 2017, huyện Than Uyên có 11.933 hộ được chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Nhận thức rõ việc giữ rừng để hưởng lợi, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hua Nà đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; gắn chính sách chi trả vụ môi trường rừng với quản lý, bảo vệ đến cộng đồng thôn, bản, gia đình, cá nhân nhận khoán, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Việc thực hiện giao rừng, hỗ trợ người dân trồng rừng thay thế nương rẫy đã góp phần bảo vệ rừng bền vững, hạn chế tình trạng xâm hại rừng trái phép. Năm 2017, toàn xã có trên 1.300 ha rừng được chi trả, với số tiền 805 triệu đồng.
Năm 2017, toàn xã Phúc Than có 2.096 hộ được nhận tổng số tiền 1,7 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập tổ chuyên trách của từng bản, từng dòng họ làm nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Cùng với đó, xã giao trách nhiệm quản lý đến tận khu rừng, vận động xây dựng, ký cam kết thực hiện hương ước, quy ước về rừng đối với người dân...
Còn ở xã Mường Cang, để khuyến khích người dân giữ rừng tốt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện kịp thời, đúng, đủ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài ra, xã chỉ đạo các bản phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền Luật bảo vệ và Phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ sống ở ven rừng.
Cùng với đó, xã thực hiện chế độ tuần tra, canh gác, trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ; nhờ đó, hơn 2.291 ha rừng trên địa bàn xã được bảo vệ tốt, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 34%. Riêng năm 2017, toàn xã có trên 1.705 ha rừng được nghiệm thu đủ điều kiện với 759 hộ được hưởng, tổng số tiền chi trả hơn 1,3 tỷ đồng.
Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng; tạo động lực thúc đẩy thực hiện công tác giao đất, giao và khoán quyền sử dụng rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, chính sách này giúp người dân có thêm thu nhập bền vững, rừng được giữ tốt hơn, giúp cân bằng môi trường sinh thái, hạn chế tác hại của thiên tai; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 24,44%.